Từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra trên 3.150 sự cố, thiên tai, tai nạn, làm 389 người chết, 144 người mất tích; 347 người bị thương; 450 phương tiện bị chìm, cháy, hỏng; trên 800 nhà, xưởng và trên 1.400 ha rừng bị cháy; sập, hỏng, tốc mái trên 3.400 căn nhà; hư hại gần 92.700 ha lúa, hoa màu; sạt sở trên 88 nghìn mét khối đất đá....Cũng trong khoảng thời gian từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Tổng Tham mưu, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia chỉ đạo ban hành 45 công điện chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, đã tham mưu chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường. Các cơ quan đơn vị trong toàn quân đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa. Những tháng đầu năm, toàn quốc đã điều động trên 186 nghìn 700 lượt người và trên 15 nghìn lượt phương tiện tham gia ứng phó, xử lý trên 2.800 vụ, cứu được hơn 2.000 người và 176 phương tiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn cho biết: "Thiệt hại về người do sự cố thiên tai vẫn còn lớn vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc đầy đủ chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản, như ở lại trên tàu khi neo đậu tại bến, di chuyển qua ngầm tràn ngập sâu nước chảy xiết, khi đã có biển cảnh báo, do đó dẫn đến những thiệt hại về người không đáng có. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa và tìm kiếm nạn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhất là xảy ra tình huống ở vùng sâu, vùng xa trong điều kiện thời tiết phức tạp. Một số đơn vị chưa triển khai thực hiện kiện toàn tổ chức lại Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp.”

Thiếu tướng Lê Văn Long, Phó tư lệnh Quân khu 3, nêu rõ nguyên nhân của việc chưa kiện toàn tổ chức lại Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp là do tuy Luật phòng thủ dân sự đã ra đời, nhưng nghị định 200 Quy định chi tiết luật phòng thủ dân sự vào 23/8 tới mới có hiệu lực thi hành: “Hiện nay chúng ta đang chờ luật này, chờ nghị định này, nên việc kiện toàn là chưa kiện toàn, và hiệp đồng giữa tỉnh với ban chỉ huy phòng thủ khu vực và với cấp xã là hiện nay vẫn chưa làm được. Hiện nay đang tắc ở khâu chỉ huy điều hành, thông báo, thông tin hiệp đồng. Tất nhiên là vì còn mới nên rất lúng túng. Qua hội nghị rút kinh nghiệm này, tôi nghĩ là cái này mới là cái quan trọng: tổ chức hiệp đồng rồi nhưng hiện nay để thống nhất điều hành từ trên xuống dưới.”

Hội nghị rút ra 5 kinh nghiệm trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó nêu rõ công tác dự báo, cảnh báo phải từ sớm, từ xa, kịp thời, chính xác. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt. Phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và Nhà nước lên trên hết, trước hết; huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội của Nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả. Đặc biệt là cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai, thảm họa; ưu tiên nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả...
Kết luận Hội nghị Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ, từ những sự cố gần đây cho thấy sự chủ động của lực lượng vũ trang quân đội và công an đã làm giảm thiểu những thiệt hại trong các vụ việc. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay sẽ có khoảng 5-6 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố còn lớn; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh vùng núi, tình trạng nắng nóng gay gắt trên cả nước có khả năng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Để chủ động phòng ngừa ứng phó, có hiệu quả, Trung tướng Thái Đại Ngọc chỉ đạo cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phòng thủ dân sự, chủ động ứng phó sự cố, thiên tiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành trong mọi tình huống. Thường xuyên, chủ động cập nhật, đánh giá, nắm chắc diễn biến thời tiết, thông tin cảnh báo, dự báo. Khi thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải kịp thời phối hợp chặt chẽ với địa phương.
Nguyên Nhung/VOV1
Bình luận