Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Ngăn chặn lừa đảo, tống tiền và mạo danh trên không gian mạng.
VOV1 - Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. Một đạo luật mang tính đột phá, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ quyền riêng tư và kiểm soát dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên số.

 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 39 điều, chia thành 5 chương. Điểm nhấn của Luật là cấm tuyệt đối hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đồng thời quy định chế tài xử phạt mang tính răn đe mạnh mẽ, đặc biệt đối với hành vi mua bán, chuyển nhượng hoặc xử lý dữ liệu cá nhân trái phép. Theo đó, hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái phép có thể bị phạt tới 10 lần khoản thu bất hợp pháp. Nếu không xác định được doanh thu, mức phạt tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.  Hành vi chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài trái phép có thể bị phạt tới 5% doanh thu năm trước hoặc tối đa 3 tỷ đồng nếu không xác định được doanh thu. Ngoài ra, các vi phạm khác liên quan đến thu thập, sử dụng, lưu trữ và tiêu hủy dữ liệu không đúng quy định cũng có thể bị xử phạt hành chính tới 3 tỷ đồng. Mức xử phạt này thể hiện rõ quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong việc lập lại trật tự trong môi trường số.

 Luật hóa quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng thể hiện tư duy quản trị quốc gia hiện đại, đặt con người làm trung tâm, gắn quyền riêng tư cá nhân với phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, từ ban hành luật đến triển khai hiệu quả là một hành trình dài. Đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có các giải pháp đồng bộ, như: Ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật một cách chi tiết, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn ngành nghề; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ để chia sẻ dữ liệu, cảnh báo sớm vi phạm; Tổ chức tuyên truyền toàn dân, nâng cao nhận thức bảo mật thông tin cá nhân ngay từ trường học, doanh nghiệp đến hộ dân cư.../.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận