Bỏ án tử hình 8 tội danh, liệu có giảm tính răn đe?
VOV1 - Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh trong sửa đổi Bộ Luật hình sự 2015, bao gồm cả tội tham ô và tội nhận hối lộ. Liệu việc thay thế án tử hình bằng án chung thân có đủ sức răn đe tội phạm?

 Nhiều chuyên gia pháp lý ủng hộ quyết định này, cho rằng đây là xu hướng tiến bộ và phù hợp với nhân quyền.

Hình phạt là để giáo dục, cải tạo

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 18 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong đó có các tội: hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của Nhà nước; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ; vận chuyển trái phép chất ma túy,…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất, nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, góp phần đảm bảo công lý cho nạn nhân và an toàn xã hội.

Theo ông Hậu, mục đích chính của chế tài hình sự là hướng đến giáo dục, cải tạo và hoàn lương cho người phạm tội.

Tuy nhiên, hình phạt tử hình lại gây ra đau đớn vô cùng nặng nề về thể chất lẫn tinh thần cho người bị kết án, trong suốt thời gian chờ đợi thi hành án.

Việc tước đoạt mạng sống của người phạm tội, xét ở góc độ khác cũng làm tổn hại đến giá trị đạo đức và lòng khoan dung của xã hội.

Bày tỏ ủng hộ đề xuất thu hẹp tội danh có khung hình phạt nghiêm khắc đến tử hình, Luật sư Nguyễn Văn Hậu lập luận rằng, con người dù tàn ác tới đâu cũng cần được sống để có cơ hội hoàn lương và khắc phục hậu quả. “Cho dù bị kết án tù chung thân thì một người tù vẫn có hy vọng được tái hòa nhập cộng đồng và được giảm án, ân xá hay thậm chí là được giải tội. Tuy nhiên, việc thi hành án tử hình sẽ triệt tiêu những cơ hội này của họ. Tại sao chúng ta không xử tội họ với hình phạt chung thân thay vì phải tước đoạt mạng sống của họ. Chúng ta có thể bắt phạm nhân đó phải lao động suốt đời để biết thế nào là giá trị của lao động, để làm ra của cải, vật chất bù đắp lại những cái mất mát của bị hại”.

Tương thích với pháp luật quốc tế

Tán thành với đề xuất của Bộ Công an về việc bỏ hình phạt tử hình thay bằng hình phạt chung thân không xét giảm án, nhiều chuyên gia cho biết, thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và dần tiến đến loại bỏ hình phạt nghiêm khắc nhất này là xu thế tất yếu.

Hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ hình phạt tử hình, do không tìm thấy bằng chứng khoa học về tác dụng phòng ngừa tội phạm tốt hơn so với hình phạt tù chung thân.

Các chuyên gia đánh giá, với hình phạt chung thân không xét giảm án đã đủ nghiêm khắc, đảm bảo được việc cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội cao nhất, không nhất thiết phải tử hình.

Bà Ung Thị Xuân Hương, nguyên Chánh án Toà án Nhân dân TP.HCM, hiện là Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng thực tế nhiều vụ án, Tòa án cũng không áp dụng đến hình phạt cao nhất đối với một số tội danh như đề xuất của Bộ Công an: “Tôi thấy rằng án tử hình cũng chỉ nên áp dụng đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm phạm tội an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người. Theo tôi, không áp dụng án tử hình đối với các tội phạm về kinh tế. Trước mắt là như vậy, còn về lâu dài cũng nên tiếp tục rà soát để bỏ thêm các tội khác có quy định án tử hình, để đảm bảo tính nhân văn và cho họ có cơ hội khắc phục hậu quả cũng như đảm bảo quyền được sống của con người”.

Đáng chú ý, trong số các tội danh được đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình có tội tham ô tài sản và nhận hối lộ. Đây là loại tội phạm đang được Đảng và Nhà nước đặt quyết tâm cao đấu tranh, phòng, chống và gây nhiều bức xúc, bất bình trong xã hội.

Song, theo Tiến sĩ Trần Thanh Thảo, Trường Đại học Luật TP.HCM và các chuyên gia đề xuất của Bộ Công an là hợp lý. Vì những tội phạm này chỉ mang tính chất vụ lợi, không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình. Thậm chí, việc bỏ áp dụng hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy cũng được cho là đúng.

Tiến sĩ Trần Thanh Thảo, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này thấp hơn so với tội mua bán trái phép hoặc tội sản xuất trái phép chất ma túy. Mặt khác, thực tế khả năng thu lợi bất chính của người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy cũng thấp hơn nhiều so với hai cái tội phạm còn lại. “Tử hình đối với những tội danh này là không cần thiết và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Chẳng hạn đối với các tội như: Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; Tham ô tài sản; Nhận hối lộ… đây là những tội phạm mang tính vụ lợi được thực hiện chỉ nhằm mang lại những lợi ích vật chất cho người phạm tội. Do đó, chúng ta không thể cho rằng những người phạm tội này là những người mất nhân tính, không còn khả năng cải tạo, giáo dục. Việc áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm những tội phạm này là quá nghiêm khắc, không phù hợp”

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Thanh Thảo cũng lưu ý, việc bãi bỏ hình phạt tử hình đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân rất cần xem xét cẩn thận. Bởi đây là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt cao khi mà mục đích của người phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền, gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến an ninh của quốc gia.

Tỷ Huỳnh/VOV TPHCM

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận