Nâng cao hiệu quả an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp
VOV1 - Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động, gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn lao động, từ phòng ngừa đến kiểm soát rủi ro – giúp người lao động yên tâm công tác, đồng thời thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của doanh nghiệp đến đội ngũ nhân viên. Điều này đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện chính sách, kế hoạch đào tạo an toàn lao động cho nhân viên hàng năm. Các biện pháp an toàn vệ sinh lao  động cần được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, đồng thời cần được thường xuyên đánh giá và cải tiến để đảm bảo một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.

Các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thí điểm và áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tiên tiến. Hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp giảm các chi phí liên quan đến tai nạn và sự cố, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, tránh được các khoản tiền phạt do vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Ngoài ra, việc tiếp tục chính sửa, rà soát các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng rất cần thiết.

Mới đây, tại lễ phát động Tháng hành động về An toàn, Vệ sinh lao động năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động đánh giá, nhận diện các nguy cơ tại nơi làm việc, đầu tư vào thiết bị và công nghệ an toàn, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Người lao động cũng được kêu gọi chủ động tuân thủ quy trình làm việc, tích cực tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ nhằm bảo vệ chính mình và đồng nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương được yêu cầu: Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; Chú trọng kiểm soát môi trường làm việc tại các ngành nghề có nguy cơ cao, như: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí, luyện kim...; Đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt trong các điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Mục tiêu cụ thể được Chính phủ đặt ra là giảm tỉ lệ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong năm 2025, đặc biệt là trong tháng 5 – thấp hơn bình quân các năm trước.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận