Theo dự thảo Nghị định đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, nhóm 1 (30 điểm) đo phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, văn hóa thực thi công vụ và ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Nhóm II (30 điểm) chấm năng lực chuyên môn và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ. Dự thảo yêu cầu công chức sở hữu kiến thức chuyên sâu, toàn diện về lĩnh vực được phân công. Nhóm III (40 điểm) về năng lực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực thi công vụ.
Điểm KPI bình quân năm sẽ quyết định mức hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Từ 90 điểm trở lên: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; từ 70 đến dưới 90 điểm: Hoàn thành tốt nhiệm vụ; từ 50 đến dưới 70 điểm: Hoàn thành nhiệm vụ; dưới 50 điểm hoặc có vi phạm nghiêm trọng: Không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, đã tham khảo mô hình KPI của doanh nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn ở Khánh Hòa để phác thảo công thức tính điểm hàng tháng. KPI được tính trên ba trụ cột số lượng, chất lượng, tiến độ. Đây cũng là bước cụ thể hóa nguyên tắc quản lý công chức theo vị trí việc làm, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo duy nhất.

Để không tạo gánh nặng số liệu mà vẫn đo đúng hiệu quả công việc, PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng khoa, Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính và Quản trị công đề xuất: Khi thiết kế các chỉ số đánh giá KPI cần phải bám sát đặc thù của từng vị trí việc làm; đồng thời cũng cần gắn chặt KPI với chế độ khen thưởng, kỷ luật và thăng tiến.

Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo nghị định đang được tiếp tục lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp. Nếu được thông qua, hệ thống đánh giá theo điểm số, từ theo dõi hàng tháng tới tổng hợp cuối năm được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực thi đua, đồng thời tăng cường tính minh bạch, công bằng trong việc sử dụng và đãi ngộ đội ngũ công chức.
Bình luận