Đặc khu Côn Đảo "thay áo xanh" nhờ kinh tế tuần hoàn
VOV1 - Sau 2 năm triển khai đề án kinh tế tuần hoàn, đặc khu Côn Đảo, TP.HCM (trước đây là huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đang có những chuyển biến rõ rệt.

Từ chủ trương đến hành động

Được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trước đây) phê duyệt vào tháng 3/2023, Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022–2025, định hướng đến năm 2030” đang tạo ra những thay đổi tích cực trong tư duy quản trị và cách thức khai thác tài nguyên tại địa phương.

Mục tiêu tổng quát của đề án là giải quyết các tồn tại và thách thức về môi trường, năng lượng mà Côn Đảo đang đối mặt, dựa trên nền tảng kinh tế tuần hoàn. Qua đó góp phần xây dựng nền tảng thể chế, hạ tầng và nguồn lực xã hội hướng đến phát triển bền vững.

Đồng thời, đề án cũng hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy du lịch chất lượng cao, thu hút đa dạng nguồn khách, qua đó tăng doanh thu và kéo theo sự phát triển của các ngành phụ trợ.

Theo ông Ngô Hữu Thống, Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn và Net Zero là một triết lý phát triển tất yếu trước những tác động ngày càng lớn của hoạt động kinh tế xã hội đến môi trường: "Net zero là triết lý mới để đảm bảo duy trì hoạt động phát triển kinh tế vừa đảm bảo sự sống của con người. Mặt khác, con người cũng cần nâng cao ý thức để giảm thiểu những tác động từ hoạt động kinh tế, xã hội đến môi trường".

Cụ thể, Côn Đảo đã và đang duy trì, nhân rộng các mô hình thiết thực như: Phong trào Ngày thứ bảy xanh – sạch – đẹp; đổi rác thải nhựa lấy quà; “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa; tái chế bạt quảng cáo (pano) đã qua sử dụng thành túi xách; xóa điểm rác để trồng cây thuốc nam; xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại các khu dân cư…

Đặc biệt, mô hình du lịch giảm nhựa đã có sự tham gia của 100% cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ vận chuyển.

Mô hình "Nghĩa trang Hàng Dương không rác thải nhựa" và việc “Nói không với cúng đốt hàng mã” tại các di tích cũng được duy trì hiệu quả.

Anh Phạm Nguyễn Chương, đại diện một cơ sở kinh doanh lưu trú, chia sẻ, hưởng ứng chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, tuần hoàn cơ sở lưu trú của anh đã chuyển đổi toàn bộ bàn chải, lược nhựa dùng một lần sang các sản phẩm làm từ gỗ, tre; đồng thời tận dụng vỏ dừa để làm phân bón cho cây xanh: "Tại Côn Đảo – Resort còn tiến hành thu gom và phân loại, xử lý các phế thải sinh học. Cụ thể, chúng tôi thu gom vỏ trái dừa về để xử lý, tái tạo thành phân bón sinh học để phục vụ trồng cây, bón cây xanh trong khuôn viên của Resort".

Xanh hóa không chỉ là khẩu hiệu

Kết quả sau 2 năm triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo cho thấy, khi có sự đồng thuận và cam kết từ chính quyền, doanh nghiệp, người dân và du khách, việc “xanh hóa” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành một lối sống.

Đến nay, Côn Đảo đã đạt được những kết quả ấn tượng, như: Giảm 35-40% lượng rác thải nhựa một lần tại các cơ sở dịch vụ du lịch; hơn 50% cơ sở lưu trú, nhà hàng áp dụng mô hình “không nhựa dùng một lần”; nhiều mô hình tái chế rác hữu cơ thành phân bón được nhân rộng; các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa địa phương phát triển mạnh, thu hút du khách có ý thức về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Côn Đảo còn triển khai các giải pháp về quản lý nước, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cấp nước sạch, đồng thời tăng cường xử lý và tái sử dụng nước thải.

Các chương trình trồng và phục hồi hệ sinh thái như rạn san hô cũng được đẩy mạnh, với mục tiêu tăng diện tích phục hồi lên từ 3ha đến 4 ha.

Trong giai đoạn tới, Côn Đảo sẽ tiếp tục mở rộng quy mô các mô hình hiện có, đẩy mạnh giáo dục truyền thông, khuyến khích doanh nghiệp tham gia và nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trong quản lý rác thải, năng lượng tái tạo và du lịch thông minh.

Ông Lê Anh Tú, Bí thư Đảng ủy Đặc khu Côn Đảo cho biết, địa phương sẽ tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, thí điểm những cơ chế đặc thù như không sử dụng túi ni lông, đồ nhựa một lần và hỗ trợ tài chính xanh cho các mô hình tái chế: "Côn Đảo sẽ chú trọng tăng cường nguồn lực nhân sự, đổi mới chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn, đầu tư cơ sở hạ tầng tái chế, xử lý rác thải cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu dùng bền vững. Đơn vị cũng yêu cầu các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với môi trường trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Với định hướng đó, Côn Đảo phấn đấu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, gắn với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học".

Những thành quả bước đầu này đang dần định hình một Côn Đảo xanh – sạch – phát triển hài hòa, có bản sắc và trách nhiệm.

Thành công của đề án không chỉ là câu chuyện riêng của Côn Đảo, mà còn khẳng định rằng chuyển đổi xanh không phải là lựa chọn, mà là con đường tất yếu, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp.

Lưu Sơn/VOV TPHCM

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận