Bộ Y tế yêu cầu siết chặt công tác phòng chống sởi, ngăn nguy cơ bùng phát dịch
VOV1 - Trước nguy cơ bệnh sởi vẫn còn tiềm ẩn, có thể bùng tại một số địa phương, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi...

# Trước nguy cơ bệnh sởi vẫn còn tiềm ẩn, có thể bùng tại một số địa phương, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi... Văn bản của Bộ Y tế cũng nêu rõ, thời gian qua, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai tích cực, hiệu quả công tác phòng chống bệnh sởi. Đến nay, bệnh sởi đã dần được kiểm soát tại các tỉnh thành phố, số ca mắc bệnh có xu hướng giảm rõ rệt trên toàn quốc từ đầu tháng 4 năm 2025; tuy nhiên, tình hình bệnh sởi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tại một số địa phương. Do đó, Bộ Y tế đề nghị cần tiếp tiếp tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca mắc sởi, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh.

# Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Hưng Yên về việc tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời người bị nạn trong vụ cháy xưởng phế liệu tại thôn Ao, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trước đó, ngày 28/6 đã xảy ra vụ cháy xưởng phế liệu tại thôn Ao, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, gây hậu quả nghiêm trọng làm ít nhất 5 người tử vong và 2 người bị thương.

# Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, nhờ các hoạt động do Hội triển khai, đã có trên 1 triệu người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện sớm nhiều ca bệnh mạn tính; 20.000 cán bộ y tế cơ sở được phổ cập AI; hơn 1,1 triệu người dân được khám, tư vấn, cấp thuốc... Nhìn chung các chương trình do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai đều đạt và vượt chỉ tiêu, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, khẳng định vai trò của lực lượng thầy thuốc trẻ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển quốc gia.

# Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một ca can thiệp ít xâm lấn hiếm gặp vừa được thực hiện thành công, mang lại hy vọng và niềm vui cho một gia đình sau chuỗi ngày dài bệnh nhân phải sống trong đau đớn và lo âu. Bệnh nhi là một bé gái 7 tuổi đến từ Nghệ An, vốn khỏe mạnh bình thường cho đến khi xuất hiện những cơn đau dữ dội vùng đùi phải. Đặc biệt cơn đau tăng nặng vào ban đêm. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định nguyên nhân là do một u xương lành tính. Kích thước khối u chỉ 5mm nhưng nằm sâu ở mặt sau và trong của cổ xương đùi , nằm trong bao khớp và sát với bề mặt của khớp háng – vị trí rất khó tiếp cận. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã thống nhất lựa chọn phương pháp can thiệp ít xâm lấn đốt u bằng sóng cao tần (RFA) dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) kết hợp với CT hình nón (Cone-Beam CT) để định vị chính xác khối u và đưa kim đốt đúng vị trí mà không làm tổn thương mạch máu quanh cổ xương đùi. Ca can thiệp diễn ra thành công trong khoảng 30 phút. Ngay sau can thiệp, bé gái chỉ cần một liều thuốc giảm đau duy nhất, và hôm sau đã có thể ra viện. Quan trọng hơn, những cơn đau đã hoàn toàn biến mất. 

# Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, vừa cứu sống người đàn ông gặp tai nạn nghiêm trọng khi đào giếng. Trước đó, nam bệnh nhân 43 tuổi, trú xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình nhập viện trong tình trạng đau dữ dội với nhiều vết thương vùng bụng, ngực. Người nhà cho biết, bệnh nhân gặp tai nạn khi đang đào giếng, rơi xuống đáy từ độ cao khoảng 2m. Lúc này cây xà beng ở đáy giếng đâm thẳng từ hậu môn thấu bụng, ngực của bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết, đây là ca bệnh đặc biệt vì cả cây xà beng dài đâm xuyên từ vùng hậu môn qua bụng, ngực. Nhiều vết thương phức tạp khiến việc cấp cứu, điều trị khó khăn. May mắn bệnh nhân được đưa đến kịp thời, có dấu hiệu phục hồi tốt sau điều trị.

# Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng bàng quang tăng hoạt OAB, ví dụ như tuổi tác, giới tính, béo phì. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng càng về già nguy cơ càng tăng. Phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn ở nam giới, một phần nguyên nhân được giải thích bởi việc mang thai, sinh con, thời kỳ mãn kinh.  Người béo phì cũng rất dễ bị mắc căn bệnh này bởi trọng lượng dư thừa gây áp lực lên bàng quang ngoài ra béo phì ảnh hưởng tới lưu lượng máu và hoạt động thần kinh tại bàng quang. Nếu có các triệu chứng như: Đi tiểu nhiều hơn 8 lần trong khoảng 24 giờ mỗi ngày, thức dậy nhiều hơn một lần một đêm để đi tiểu. Người bệnh khó nhịn tiểu, không tự chủ được… thì cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận