Đợt khai quật diễn ra từ tháng 5 đến cuối tháng 6/2025, mở 2 hố khai quật chính với tổng diện tích 60m² và 2 hố thám sát phụ 6m². Kết quả cho thấy, các nhà khảo cổ đã xác định được mặt bằng, quy mô, kết cấu của tháp Bắc và một phần kiến trúc tháp Nam. Đồng thời, phát hiện hệ thống tường bao phía Bắc và Nam của khu đền tháp. Đáng chú ý, Tháp đôi Liễu Cốc được xác định là tổ hợp kiến trúc độc đáo, phân bố trên nền đất phù sa thấp bên sông Bồ, có hai tháp thờ chính- đặc điểm hiếm gặp cả ở Việt Nam và thế giới. Kỹ thuật xây dựng sử dụng vật liệu gạch, nền được gia cố bằng đất sét và đất Laterite. Tháp Bắc được xây vào cuối thế kỷ IX, tháp Nam xây muộn hơn khoảng 10 năm–20 năm.

Qua 2 đợt khai quật, các nhà nghiên cứu đã thu được hơn 9.300 tiêu bản hiện vật gồm vật liệu kiến trúc, mảnh bia, gốm men, đất nung và một số mảnh đồng. Một số hiện vật trang trí như đầu bò bằng đá sa thạch và các mảng đất nung phản ánh kỹ thuật chế tác tinh xảo thời kỳ đó. Diện tích khai quật hiện mới đạt hơn 6% trên tổng quy hoạch hơn 2.400m². Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Huế cho biết, đang đề xuất mở rộng khai quật và hình thành không gian chuyên biệt, thậm chí xây dựng Bảo tàng văn hóa Champa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản: “Ở khu vực miền Trung nói chung và ở Huế nói riêng, dạng tháp như thế này rất là hiếm. Nó phản ánh giá trị độc đáo và thể hiện cả quá trình phát triển của văn hóa Champa nói riêng và dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của di tích này thì trong thời gian tới Sở Văn hóa Thể thao sẽ phối hợp với một số đơn vị chức năng xây dựng phương án tiếp tục mở rộng khai quật và làm rõ hơn toàn bộ cấu trúc của tháp này, làm rõ hơn giá trị hiện nay đang còn chưa rõ hoặc đang còn nghi ngờ, đồng thời có một phương án chi tiết để bảo tồn, phát huy giá trị của tháp này”./.
Lê Hiếu/VOV Miền Trung
Bình luận