Mùa lễ hội 2025 đã bắt đầu với những Lễ hội tôn giáo lớn như Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức- Hà Nội), Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Hội Xuân Tam Chúc (Hà Nam). Cùng với đó là các lễ hội dân gian, lịch sử như Hội Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội), Lễ hội Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)…Các lễ hội gắn với Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt” ở nhiều địa phương như hệ thống đền Mẫu Liễu Hạnh (Lễ hội Phủ Giầy- Nam Định), Phủ Tây Hồ ( Hà Nội), đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An, Hà Tĩnh), Ông Hoàng Bảy (Lào Cai)…
![Khai hội Chùa Hương năm 2025](/sites/default/files/2025-02/0402khaihoichuahuong1-1738637228209-17386372285001130271093.jpg)
Mùa xuân đi lễ hội là dịp để mọi người được thăm thú, thư giãn và thực hiện các nghi thức tâm linh sau một năm bộn bề lo toan cho cuộc sống, để rồi, trong không gian trầm mặc của chùa chiền, trong nén hương thơm dâng lên các đấng linh thiêng, tự lòng mình, mỗi người ai cũng muốn gửi gắm niềm mong ước về cuộc sống an yên, đất nước thanh bình, nhà nhà ấm no, người người hạnh phúc. Du xuân còn là dịp được tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo, danh lam thắng cảnh nổi tiếng để mỗi người hiểu thêm, tự hào thêm về lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc; để thấy rằng người Việt Nam mấy nghìn năm qua, luôn yêu hòa bình, không biết khuất phục; là dân tộc vừa làm ruộng vừa đánh giặc, nhưng vẫn không quên sáng tạo, bồi đắp, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của mình.
![Du khách hành hương bái Phật trước Chùa Đồng- Yên Tử](/sites/default/files/2025-02/476339389_1415014992955809_949963628309008961_n.jpg)
Có thể thấy điều ấy trong từng bước chân hăm hở của hàng vạn du khách mỗi ngày trên hành trình về với đất Phật Yên Tử để được chiêm bái, tỏ lòng tôn kính, tri ân với Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các bậc tiền nhân có công sáng lập và phát triển dòng Thiền Trúc Lâm – Yên Tử. Đồng thời trải nghiệm các hoạt động hành hương, tìm hiểu các giá trị văn hóa tôn giáo, lịch sử, danh lam thắng cảnh ở vùng đất nhiều di sản, di tích lịch sử gắn với triều đại nhà Trần như Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long - Cửa Ông - Bạch Đằng… hay về Thái Bình, Nam Định dự lễ hội Đền Trần; về Ninh Bình với Hội xuân chùa Bái Đính; dự Hội xuân Tam Chúc (Hà Nam).
![Hội Xuân Tam Chúc 2025](/sites/default/files/2025-02/6a0cbbfc-9711-4378-8ce6-f5c5f9c1c075.jpg)
Cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng...cùng hàng chục lễ hội du nhập từ nước ngoài. Bình quân mỗi ngày nước ta có đến trên dưới 20 lễ hội diễn ra. Vì vậy, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là làm sao việc tổ chức các lễ hội góp phần vào mục tiêu bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống; đảm bảo an toàn, văn minh, không để xảy ra tình trạng biến tướng, thương mại hóa, tranh cướp lộc lễ…gây phản cảm trong xã hội.
![Hội Xuân Yên tử 2025](/sites/default/files/2025-02/476276181_1415015099622465_3119687062467307474_n_0.jpg)
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu và ngành Văn hóa- Thể thao - Du lịch cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện nghiêm quy định về tổ chức và tham dự lễ hội; hướng đến một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, không tổ chức lễ hội tràn lan, gây lãng phí tiền của, thời gian của nhân dân, nhất là không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi…
Vân Thiêng/VOV1
Bình luận