Đẩy mạnh phân cấp phân quyền – tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
VOV1 - Điểm chung trong triển khai “bộ tứ chiến lược” và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hướng đến chính quyền phục vụ và tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước ở mức cao

Từ ngày hôm nay, 1/7/2025, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Mô hình này không chỉ là thay đổi về cơ cấu hành chính, mà còn là bước ngoặt chiến lược và lịch sử trong quản trị quốc gia, hướng đến chính quyền thật sự “sát dân, gần dân, vì dân”. Dấu mốc này diễn ra cùng với việc cả nước tích cực triển khai “bộ tứ chiến lược” phát triển quốc gia trong giai đoạn mới, là Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 của Bộ Chính trị. Một điểm chung trong triển khai “bộ tứ chiến lược” và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hướng đến chính quyền phục vụ và tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước ở mức cao trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, đã rà soát hơn 500 nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất phân cấp, phân quyền và chính quyền 2 cấp. Trong đó, có 95 nội dung được giải quyết tại các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa kết thúc, tập trung vào các lĩnh vực, như: quy hoạch, đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý giá, quản lý doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh. Có 410 nội dung được thực hiện tại 6 Nghị định của Bộ Tài chính về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền, thì hơn 70 nội dung, nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính được phân cấp cho chính quyền địa phương. Về phía địa phương, nhiều thẩm quyền cấp tỉnh cũng đã được phân cấp xuống cho chính quyền cơ sở. Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết:

"Đẩy mạnh phân cấp giao quyền, phải dứt điểm. Về phía thành phố, vừa qua hơn 700 thủ tục phân cấp ủy quyền cho các sở ngành và địa phương hết. Tới đây chắc chắn với chính quyền địa phương 2 cấp chúng tôi tiếp tục đẩy manh. Cái gì thành phố làm từ A-Z. cái gì xã phường làm… Giờ cán bộ đưa cán bộ huyện về hết cơ sở, sở ngành về cơ sở nhiều, nâng cao năng lực cơ sở nên không có gì mà nói cán bộ yếu".

Đối với việc triển khai “bộ tứ chiến lược” phát triển quốc gia, nhất là về phát triển kinh tế tư nhân, chỉ sau chục ngày Bộ Chính trị có Nghị quyết số 68 thì Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198, cụ thể hóa các cơ chế đặc biệt hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, từ tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, đến đổi mới sáng tạo, đấu thầu, ưu đãi tài chính… Bên cạnh những cơ chế dễ định lượng, như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh:

"Còn nhiều chính sách hỗ trợ khác, trao quyền cho địa phương như hỗ trợ ít nhất 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, địa phương hỗ trợ chi phí vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp và sau này tính vào tài sản của doanh nghiệp. Hay hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh".

Bên cạnh việc chính quyền cơ sở theo mô hình 2 cấp sẽ “sát dân, gần dân, vì dân” hơn, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cộng đồng doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng nhiều hơn vào tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực tế. Ông Hồ Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Net Zero Việt Nam thẳng thắn chia sẻ về khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ trước đây:

"Các địa phương được trao nhiều quyền để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực tế trao quyền và thực thi có khoảng cách. Chúng tôi gặp nhiều trường hợp như chúng tôi được miễn thuế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nhưng làm thế nào tiếp cận, hay dành 5% khu công nghiệp nhưng làm thế nào cho khả thi?!"

Đại diện doanh nghiệp cũng kỳ vọng, với chính quyền địa phương 2 cấp, việc tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được triển khai thực chất minh bạch và rõ ràng hơn. Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục trưởng Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính, nhìn nhận:

"Các văn bản vừa được Chính phủ ban hành, chúng tôi đánh giá việc phân cấp phân quyền đảm bảo triệt để, thông thoáng để triển khai thực hiện. Nhưng đây là vấn đề mới, sau khi vận hành đề nghị bộ ngành địa phương phản hồi về bộ để xử lý ngay cho các địa phương".

1/7/2025, thời điểm chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, là khởi đầu của giai đoạn mới trong xây dựng chính quyền địa phương hướng tới phục vụ và kiến tạo, tích cực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đồng thời với đó là việc tích cực triển khai “bộ tứ chiến lược” Nghị quyết phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh này, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ phải tiếp tục bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, khắc phục những vướng mắc nảy sinh trong triển khai, tăng cường tính hợp lý và khả thi đối với những thủ tục hành chính được phân cấp, phân quyền. Theo đó, mục tiêu trong dài hạn là phấn đấu thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương triển khai, thực hiện các thủ tục hành chính thông thoáng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt nhất, từ đó góp sức nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế đất nước ở mức cao và bền vững trong dài hạn./.

                                                                                                                                                  Trung Hiếu VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận