Trong báo cáo của WHO, đối với hàng triệu người đang sống tại những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với nhiều trong số đó nằm ở châu Á như New Delhi, Dhaka, Bangkok và Jakarta, thì việc tránh xa không khí độc hại gần như là điều không thể.
Hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia hiện đang theo dõi chất lượng không khí và nhiều ứng dụng thời tiết di động bao gồm thông tin về chất lượng không khí; tuy nhiên việc cố gắng đánh giá mức độ ô nhiễm không khí bằng cách xem những con số này có thể gây nhầm lẫn. Theo WHO, các quốc gia khác nhau có tiêu chuẩn chất lượng không khí khác nhau. Ví dụ, giới hạn chỉ số bụi mịn PM 2.5 hàng ngày của Ấn Độ cao hơn giới hạn của Thái Lan hơn 1,5 lần và cao hơn tiêu chuẩn của WHO gấp 4 lần.
Anumita Roychowdhury, chuyên gia về ô nhiễm không khí tại Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi, cho biết các chất gây ô nhiễm nguy hiểm khác bao gồm các loại khí như nitơ dioxide hoặc lưu huỳnh dioxide, cũng được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu.
“Bây giờ khoa học đã rất rõ ràng về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe. Chúng ta đã có thể xác định tác động thông qua nhiều nghiên cứu theo nhóm và nghiên cứu dịch tễ học. Đó là lý do tại sao ô nhiễm không khí, chúng ta thực sự phải giải quyết nó ở quy mô rất cấp bách.”
Theo báo cáo gần đây của Viện Health Effects, ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ lớn thứ hai gây tử vong sớm trên toàn cầu, sau huyết áp cao. Tiếp xúc với sự ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn có thể gây ra các cơn hen suyễn và làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi hoặc người có vấn đề sức khỏe. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim và phổi, có thể dẫn đến tử vong, bao gồm bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng phổi.
Một phân tích gần đây của cơ quan nhi đồng Liên hợp quốc cho thấy hơn 500 triệu trẻ em ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương đang hít thở không khí không lành mạnh và tình trạng ô nhiễm này có liên quan đến cái chết của 100 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi ngày. Eliane Luthi, Trưởng phòng Truyền thông khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF cho biết:
“Đó là những đứa trẻ có gia đình sống trong cảnh nghèo đói, không đủ tiền mua bếp nấu sạch, không đủ tiền mua khẩu trang, không đủ tiền mua máy lọc không khí. Chúng là những đứa trẻ đang phải trả giá cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí và những đứa trẻ này đang phải trả giá bằng sức khỏe, bằng giáo dục và bằng chính tương lai của chúng. Chúng ta cần phải làm tốt hơn.”
Mọi người cũng cần nhận thức được ô nhiễm không khí trong nhà thường do các hoạt động sinh hoạt thông thường như nấu ăn hoặc thậm chí là đốt hương gây ra./.
Đình Nam/VOV1
Bình luận