Bằng quyết tâm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; Bằng khí thế thi đua lao động “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, "vượt nắng thắng mưa"… Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) có tổng chiều dài gần 520km, gồm hai mạch đường dây hiện đại, được liên kết bởi 1.177 vị trí móng cột đi qua địa bàn 9 tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra đã hoàn thành chỉ sau hơn 6 tháng thi công thần tốc, lập nên kỳ tích mới của ngành điện Việt Nam.
Kể từ khi đi vào vận hành từ tháng 9/2024 đến nay, có những thời điểm, công suất truyền tải trên đường dây Quảng Trạch - Thanh Hóa đã đạt gần 1.600MW, đường dây Thanh Hóa - Phố Nối lên trên 1.200MW theo chiều từ miền Trung, Nam ra miền Bắc. Theo chiều ngược lại từ miền Bắc vào miền Trung công suất tối đa ghi nhận đạt tương ứng 1.540MW và 1.370MW trên từng cung đoạn.
Không chỉ góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, Dự án đường dây 500kV mạch 3 đã tạo động lực, thôi thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhân dịp Tết đến xuân về, PV Nguyên Long có bài ghi nhận về công trình truyền cảm hứng này:
Trở lại cung đoạn khó nhất của tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) những ngày giáp Tết nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi gặp kỹ sư Đỗ Văn Thắng - Phó TGĐ Công ty CP đầu tư xây lắp điện Hải Phòng đang kiểm tra công tác hoàn nguyên trên tuyến tại vị trí số 328-329 vượt sông Lam sau gần 5 tháng công trình được hoan thành, đóng điện. Anh chia sẻ: "Tuyến đường dây này là tuyến đường dây mới, nhà thầu cũng cử 2 đồng chí kỹ thuật ở đây thường xuyên đi kiểm tra các vị trí trên cao để xem trong quá trình mưa bão thì có sạt lở gì không để báo cáo kịp thời với chủ đầu tư cũng như tư vấn thiết kế, để bổ sung các phần kè các vị trí nguy hiểm. Nhưng cũng rất may mắn là công trình đến nay qua một số cơn bão, đợt mưa lớn thì các vị trí thi công cũng không bị sạt lở, cũng không phải bổ sung thêm kè..."
Công ty CP đầu tư xây lắp điện Hải Phòng là đơn vị thi công Gói thầu số 35 của Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (một trong 4 dự án thành phần của tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối), trong đó có vị trí cột 329 vượt sông Lam nằm trên đỉnh núi cao, địa hình hiểm trở, lại ứng dụng công nghệ cột ống - lần đầu tiên thực hiện trên lưới điện 500kV ở Việt Nam, có chiều cao tới 145m, khối lượng hơn 420 tấn - lớn nhất trong số 1.177 vị trí móng cột của tuyến đường dây.
Theo kỹ sư Đỗ Văn Thắng, mặc dù phải thi công trong điều kiện thời tiết nắng nóng hầm hập bởi gió phơn Tây Nam, địa hình hiểm trở, việc vận chuyển vật liệu, di chuyển máy móc bị hạn chế, vô vàn khó khăn, song gói thầu của đơn vị đã về đích trước tiến độ so với kế hoạch được giao, đảm bảo chất lượng, kỹ - mỹ thuật nên đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: "Cảm xúc đầu tiên của tôi thì là tự hào, vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé sức lực của mình trong việc xây dựng tuyến đường dây huyết mạch truyền tải điện cho đất nước. Thứ hai, cũng là trọng trách, trọng trách là công trình này có tính cấp thiết cũng như tính an ninh cũng như tính kỹ thuật rất cao, mình phải làm hết sức cẩn thận, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra, và đảm bảo an toàn lao động. Mặc dù tiến độ rất cao, công trình chất lượng yêu cầu rất cao cũng như tiến độ, nhưng nhà thầu đã đảm bảo vấn đề an toàn lao động, đấy là một thành công của Công ty" - Ks Đỗ Văn Thắng chia sẻ.
Xây lắp điện Hải Phòng chỉ là một trong số hàng trăm nhà thầu thi công trên toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Đối với một công trình truyền tải điện ở cấp điện áp 220-500kV thường đi qua nhiều tỉnh, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là thách thức, khiến dự án thường phải mất ít nhất từ 2-3 năm mới có thể hoàn thành. Thế nhưng, ở tuyến đường dây 500kV mạch 3 có tổng chiều dài gần 520km đi qua địa bàn 211 xã/phường, của 43 huyện/thị xã thuộc 9 tỉnh, thành phố đã GPMB chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng, là cơ sở để chủ đầu tư và các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm công trình.
Một khối lượng đào đất đá, bốc xúc, san gạt lên đến hơn 2,5 triệu khối (m3); Khoảng 700 nghìn khối (m3) bê tông các loại; gần 70 nghìn tấn cốt thép để làm móng; Sản xuất, nhập khẩu và lắp dựng 1.177 cột thép với tổng trọng lượng lên đến 139 nghìn tấn; Kéo rải tổng cộng lên tới gần 14.000 km các loại dây dẫn, dây chống sét, cáp quang cho 513 khoảng néo và lắp đặt 16.840 chuỗi cách điện, phụ kiện…
Áp lực thời gian ngắn, lại cộng thêm hàng loạt thách thức của thời tiết nắng gắt, mưa to, gió lớn, địa hình hiểm trở, đèo dốc… Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên toàn công trường, đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu, đơn vị thi công, và trực tiếp là các kỹ sư đã làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc liên tục 24/7, “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “làm xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh Lê Trọng Thái, cho biết: "Truyền tải điện Hà Tĩnh hỗ trợ công tác lắp dựng cột của đường dây 500kV mạch 3 thì chúng tôi làm rất nhiều. Đặc biệt là những cột mà trên tuyến đường gây khó khăn nhất thì Tổng công ty đều giao cho Truyền tải điện Hà Tĩnh tổ chức thực hiện, và thực hiện công tác tư vấn, giám sát đường dây 500kV mạch 3 đoạn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi huy động tổng cộng là 2800 công cho đường dây 500kV mạch 3".
Cao điểm trên công trường có sự tham gia của hơn 15.000 người. Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) Phạm Lê Phú xúc động khi công trình được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia tiếp sức: "Tất cả các lực lượng từ nhân dân đến các bộ, lực lượng công an, quân đội, lực lượng thanh niên… đã hỗ trợ để chúng tôi kéo dây. Thay mặt cho chủ đầu tư rất cảm ơn các cấp lãnh đạo tỉnh ủy, UBND các cấp lãnh đạo huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ chúng tôi trong vòng hơn 7 tháng vừa qua để có kết quả như ngày hôm nay".
Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên các đỉnh trụ điện ở nhiều cung đoạn của tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đúng dịp chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 02/9 là kết quả của hơn 200 ngày đêm “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ; và tinh thần sẻ chia, tương hỗ của hàng chục nghìn lao động được huy động từ các đơn vị, đoàn thể, người dân cho dự án: "Tôi là Phan Văn Trường hiện đang công tác tại Công ty Điện lực Gia Lâm. Mình tham gia hạng mục lắp ráp và xây dựng cột mới từ đầu đến cuối. Thật sự mình cũng rất là vui khi được lên tận nơi và cắm lá cờ của Tổ quốc và lá cờ của ngành EVN. Được góp môt chút công sức nhỏ bé thôi trong một công trình của quốc gia như thế này mình cảm thấy rất vinh dự và tự hào".
"Tôi tên là Vương Kim Ngưu - công tác tại Điện lực Sóc Sơn thuộc EVN Hà Nội. Khi cắm cờ lên đỉnh thì cảm giác nó rất là vui sướng và hạnh phúc".
"Mình tên là Phan Văn Đông, công tác tại Đội TTĐ TP.Hà Tĩnh. Cảm xúc sung sướng vỡ oà, bởi vì việc chính là quản lý, vận hành mà giờ đi xây dựng cột như thế này mà làm được, thành công như thế thì cảm giác rất là sung sướng"…
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với gần 520km đường dây mạch kép hoàn thành, cùng với gần 1.180km của hai tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ miền Trung vào miền Nam đã được đầu tư xây dựng trước đó, tạo thêm một tuyến đường dây 500kV mạch 3 hoàn chỉnh, kết nối từ Bắc vào Nam. Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Hồng Phương cho biết: "Các dự án đường dây 503 này là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện đầy đủ 3 cái mạch đường dây 5 % trong những năm sắp tới. Từ nay đến năm 2010 thì các dự án này có một vai trò cực kỳ, đặc biệt là việc mà tăng khả năng truyền tải công suất từ khu vực Bắc Trung Bộ bao gồm rất nhiều các dự án năng lượng tái tạo gia để cung ứng cho nhu cầu điện của miền Bắc...".
Theo thống kê của Công ty vận hành HTĐ và TTĐ Quốc gia (NSMO), việc đưa vào vận hành đường dây 500kV mạch 3 ngay lập tức đã đã nâng cao khả năng truyền tải công suất từ miền Trung, miền Nam ra Bắc trong giai đoạn mùa khô. Đồng thời, giải tỏa nguồn năng lượng thủy điện miền Bắc trong mùa lũ. Giới hạn truyền tải hiện tại đã được nâng lên đến 3.600MW và thời gian tới sau khi hoàn thiện đủ tụ bù và mạch sa thải đặc biệt sẽ nâng tiếp được giới hạn truyền tải lên 4.600-5.000MW theo từng chế độ vận hành (trong khi trước đó, với 2 mạch đường dây 500kV, giới hạn truyền tải chỉ tương ứng 2.200MW/1.850MW trên giao diện Bắc - Trung).
Kể từ tháng 9/2024 khi đi vào vận hành, có những thời điểm công suất truyền tải trên đường dây Quảng Trạch - Thanh Hóa lên đến gần 1600MW, đường dây Thanh Hóa - Phố Nối lên trên 1.200MW theo chiều từ miền Trung, Nam ra miền Bắc. Theo chiều ngược lại từ Bắc vào miền Trung, Nam, công suất tối đa ghi nhận đạt tương ứng 1.540MW và 1.370MW trên từng cung đoạn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công trình 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được đưa vào vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng. Công trình mang ý nghĩa chiến lược góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc; Công trình của niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết, quan điểm "Dân là gốc" của Đảng, Nhà nước ta, sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. "Qua đây chúng ta thấy tức là không có gì là không dân tộc ta là như thế mà thép là chỗ đấy khi chúng ta cần kỹ chúng ta muốn làm cái gì chúng ta quyết tâm đoàn kết đồng lòng chúng ta thống nhất là chúng ta có thể làm được".
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, công trình đường dây 500kV mạch 3 thực sự là công trình truyền cảm hứng, là bài học quan trọng cho các công trình, dự án hạ tầng cơ sở thiết yếu cho phát triển đất nước: "Chúng ta thấy công trình đường dây tải điện 500kV Quảng Trạch - Phố Nối là một công trình rất là truyền cảm hứng. Truyền cảm hứng cho chúng ta ở nhiều góc độ. Nó truyền cảm hứng ở góc độ là chúng ta có rất nhiều bài học kinh nghiệm mà chúng ta có thể áp dụng ngay và triệt để trong tất cả những công trình hiện nay đang thực hiện. Thế rồi là những tinh thần như là “chỉ bàn làm, không bàn lùi” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Và tinh thần này nếu chúng ta áp dụng được thì nó sẽ nâng cao được tinh thần tự chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi ro và tìm ra những giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn để chúng ta triển khai được những công trình mà hiện nay chúng ta đang thực hiện".
Việc hoàn thành thi công một công trình truyền tải điện 500kV hiện đại, đi qua nhiều địa phương, với rất nhiều khó khăn, thách thức… chỉ hơn 6 tháng, trong khi bình thường phải mất từ 3-5 năm đã thể hiện trách nhiệm, khát vọng, tự tin, bản lĩnh, giá trị con người Việt Nam, với tinh thần vượt khó, "biến không thể thành có thể, biến khó thành dễ”, tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, của sự quyết tâm vượt lên mạnh mẽ của đất nước chúng ta…
PV Nguyên Long
Bình luận