Tổng thống Trump gửi “tối hậu thư” thuế quan: Mở cửa đối thoại- Tối đa áp lực
VOV1 - Tổng thống Donald Trump hôm qua đã gửi thư trực tiếp đến lãnh đạo 14 quốc gia, thông báo chi tiết mức thuế mới và lập trường cứng rắn của Mỹ.  Động thái nhằm tạo thêm dư địa đàm phán, song vẫn duy trì áp lực đáng kể đối với các đối tác thương mại.

Một ngày trước khi các mức thuế quan mới chính thức có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua bất ngờ ký sắc lệnh gia hạn áp dụng các mức thuế đối ứng mới đến ngày 1/8, ngoại trừ với Trung Quốc. Đồng thời, ông cũng gửi thư trực tiếp đến lãnh đạo 14 quốc gia, thông báo chi tiết mức thuế mới và lập trường cứng rắn của Mỹ.  Động thái được xem là nhằm tạo thêm dư địa đàm phán, song vẫn duy trì áp lực đáng kể đối với các đối tác thương mại.

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đầu tiên nhận được thư của Tổng thống Donald Trump. Với mức thuế chung 25%, các mặt hàng chủ lực từ hai đồng minh này như ô tô, phụ tùng, chất bán dẫn – có nguy cơ bị đánh thuế nặng, làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ. Trong khi đó, các nước như Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Myanmar và Lào đối mặt mức thuế lên tới 40%. Đáng chú ý, trong tất cả 14 lá thư, ông Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế thậm chí còn cao hơn mức đã nêu nếu một quốc gia trả đũa Mỹ bằng mức thuế riêng của họ. Một quan chức Nhà trắng xác nhận, những mức thuế này sẽ "tách biệt với tất cả thuế suất theo ngành", nghĩa là chúng sẽ không áp dụng chồng lên các mức thuế cụ thể hiện có hoặc trong tương lai, chẳng hạn như mức thuế ô tô 25% hiện hành.

Trên mạng xã hội Truth Social, ông Donald  Trump khẳng định biểu thuế sẽ được điều chỉnh tùy theo "mối quan hệ song phương", đồng thời nhấn mạnh các nước nên cân nhắc sản xuất hàng hóa ngay tại Mỹ để tránh thuế. Cảnh báo này thể hiện rõ chủ trương “nước Mỹ trước tiên” tiếp tục chi phối chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump:

Với một số quốc gia, sau các cuộc gặp, chúng tôi nhận thấy khả năng đạt được thỏa thuận là rất thấp. Do đó, chúng tôi đã quyết định gửi thư trực tiếp để thông báo rõ ràng mức thuế quan mà họ sẽ phải đối mặt nếu muốn tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nếu muốn tham gia cuộc chơi, đây là điều kiện. Thực tế, các mức thuế hiện tại chỉ là một phần nhỏ so với những gì Mỹ hoàn toàn có thể yêu cầu. Tuy nhiên, vì lợi ích mối quan hệ lâu dài với nhiều quốc gia- những đối tác thực sự đáng quý, chúng tôi chọn cách tiếp cận có chừng mực, như cách tôi đang làm.”

Trong phản ứng đầu tiên trước động thái mới nhất của Mỹ về thuế quan, Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ra thận trọng nhưng vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết các cuộc trao đổi với Mỹ đã có "một số tiến triển", đồng thời hoan nghênh việc gia hạn thời hạn áp thuế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, Nhật Bản "không coi mức thuế 25% là hợp lý" và sẽ tiếp tục theo đuổi một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Sau nhiều lần tham vấn với phía Mỹ, các cuộc thảo luận đã có tiến triển. Do đó, mức thuế quan theo thẩm quyền này không phải là 30% hoặc 35% và Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã gia hạn thêm thời gina đàm phán. Phía Mỹ cũng đề xuất rằng họ có thể xem xét lại nội dung của quyền tài phán tùy thuộc vào phản hồi của phía Nhật Bản và họ muốn nhanh chóng tiến hành thảo luận với phía Nhật Bản theo thời hạn mới là ngày 1 tháng 8.

Liên minh châu Âu được xem là một ngoại lệ bất ngờ khi không nhận được thư của Tổng thống Donald Trump bất chấp căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai bên. Giới chức EU đã cho thấy sự thận trọng trước động thái của Mỹ khi khẳng định vẫn nỗ lực đạt được thỏa thuận nguyên tắc có lợi cho cả hai bên trước thời hạn 1/8. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Olop Gill cho biết:

"Liên minh châu Âu muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ, muốn tránh các mức thuế quan mà chúng tôi tin rằng sẽ gây ra những tác động không mong muốn. Chúng tôi muốn đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi, chứ không phải kết quả đôi bên cùng thua. Đã có tiến triển hướng tới một thỏa thuận về nguyên tắc.”

Các thị trường tài chính cũng ngay lập tức có phản ứng, với việc các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm. Dow Jones mất 422 điểm (tương đương 0,94%), S&P 500 giảm 0,79% và Nasdaq mất gần 1%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất trong ba tuần. Cổ phiếu của các hãng ô tô lớn như Toyota, Nissan và Honda lao dốc, phản ánh lo ngại rằng các ngành công nghiệp cụ thể dù đã được cam kết không bị đánh thuế chồng, vẫn có thể trở thành mục tiêu trả đũa trong kịch bản leo thang./.

Thu Hoài

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận