Theo số liệu khảo sát của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, giá trung bình của tất cả các loại gạo được giao dịch giữa các thương nhân trong tháng 1 vừa qua tại nước này đã tăng tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái, thiết lập mức cao kỷ lục mới trong tháng thứ năm liên tiếp, kể từ sau khi cuộc Nhật Bản bắt đầu tiến hành khảo sát vào năm 2006.
Trong số này, thương hiệu gạo “Koshihikari” được trồng ở Ibaraki tăng giá tới 91% so với một năm trước, gạo “Nanatsuboshi” ở Hokkaido tăng 88%, gạo “Akitakomachi” ở Akita tăng giá 80%, gạo “Hitomebore” của Iwate tăng 67%...

Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, nguyên nhân của sự tăng giá này là do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những người thu gom gạo để đảm bảo nguồn gạo ổn định trên thị trường. Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng chưa đánh giá những tác động tích cực của hàng loạt biện pháp giải phóng gạo dự trữ được chính phủ triển khai những ngày vừa qua nhằm bình ổn việc phân phối gạo cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cũng cho biết, người tiêu dùng nước này hiện có xu hướng dần hạn chế mua gạo, một mặt do giá cả tiếp tục tăng cao, nhưng mặt khác người tiêu dùng cũng đang tập trung chờ đợi những tác động tích cực sau khi Chính phủ giải phóng 150 nghìn tấn gạo trong đợt một trong tổng số 210.000 tấn sẽ đưa đưa ra thị trường trong tháng 3 tới.
Cùng với tình trạng giá gạo tiếp tục tăng cao, hàng loạt các loại rau được bày bán ở các siêu thị tại Nhật Bản cũng tăng giá. Đáng chú ý, những loại rau như cải bắp, cải thảo…, tăng giá cao gấp khoảng 2,6 lần mức trung bình trong năm trong sáu tuần liên tiếp. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản dự báo, giá của các loại rau quả tại nước này sẽ tiếp tục cao hơn mức trung bình trong tháng 2 này do khối lượng vận chuyển từ các vùng sản xuất chính giảm sút.

Trong bối cảnh đó, người dân Nhật Bản đang phải “gồng mình” chống đỡ trước thực trạng giá gạo và lương thực tăng cao. Hàng loạt các nhà hàng ăn uống tại Nhật Bản phải cân nhắc tăng giá nhiều suất ăn và nhiều mặt hàng, điều này cũng dẫn đến tâm lý lo ngại có thể làm vắng khách hơn.
Ông Kentaro Miura - Quản lý một nhà hàng tại Tokyo - chia sẻ:“Cửa hàng của chúng tôi đang đối diện với nhiều khó khăn. Trong trường hợp bắt buộc phải tăng giá, chúng tôi sẽ phải cân nhắc làm những món ăn mang tính phổ biến và với mức giá vừa phải, đồng thời phục vụ khách hàng những món ăn giúp no bụng là chính”.
Trong khi đó, một khách hàng là nhân viên văn phòng tại Tokyo - cho biết: “Có nhiều nhà hàng không cung cấp cho khách hàng những suất cơm lớn. Điều này làm tôi ăn không được thoải mái. Vì vậy, tôi sẽ lựa chọn những nhà hàng có thể cung cấp những suất cơm cỡ lớn. Điều ấy thực sự hữu ích”.
Trong khi giá gạo trong nước gia tăng phi mã, có một xu hướng tiêu dùng của người dân Nhật Bản cũng ngày càng tăng theo, nhất là trong kinh doanh dịch vụ nhà hàng, đó là sử dụng gạo nhập khẩu ngay cả khi phải trả mức thuế quan cao. Tuy nhiên, mức giá thành trung bình so với gạo trong nước lại rẻ hơn. Theo số liệu của Nhật Bản, chỉ tính riêng từ tháng 04 - 12/2024, các công ty tư nhân của Nhật Bản đã nhập khẩu ở mức kỷ lục với 468 tấn gạo, vượt tổng lượng nhập khẩu của cả năm tài chính trước đó là 100 tấn.
Đánh giá về thực trạng giá gạo tăng cao tại Nhật Bản, Giáo sư Kusumoto Junichiro - thuộc Trường đại học Toyo, Nhật Bản cho rằng, trong nhiều năm Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản đã chủ động kìm chế nguồn cung để duy trì giá gạo ở mức cao, điều này đã gây ra những tác động mạnh mẽ. Ông Junichiro cũng nhấn mạnh rằng “sẽ rất khó để giá gạo trở về mức như trước đây”./.
Ngọc Huân/VOV Nhật Bản
Bình luận