Theo báo cáo thống kê do Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa công bố hôm nay 20/02 nhân “Ngày hộ chiếu Nhật Bản”, trong năm 2024, nước này phát hành 3.820.000 quyển hộ chiếu các loại, trong đó có 3.800.000 hộ chiếu phổ thông. Cũng trong năm 2024, Nhật Bản có 21.640.000 hộ chiếu còn hiệu lực, tăng 130.000 quyển so với năm trước đó.
Từ tháng 3/2023, Nhật Bản áp dụng chế độ xin cấp mới và gia hạn hộ chiếu trực tuyến (online). Từ đó đến nay, tỷ lệ sử dụng dịch vụ trực tuyến để xin cấp mới và gia hạn hộ chiếu là 9%, riêng tỷ lệ xin gia hạn trực tuyến là 31%. Trong cả năm ngoái, Nhật Bản ghi nhận 30.000 trường hợp khai báo mất hộ chiếu, bao gồm cả bị đánh cắp và đánh mất, giảm 2% so với năm 2023, trong đó, 80% là xảy ra trên lãnh thổ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu (The Henley Passport Index) năm 2024, do Công ty tư vấn Henley & Partners của Anh thực hiện dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), bao gồm 199 quốc gia và vùng lãnh thổ với 227 điểm đến, hộ chiếu Nhật Bản đang xếp thứ 2 trong số những hộ chiếu “quyền lực nhất thế giới”, khi có thể nhập cảnh vào 192 quốc gia và vùng lãnh thổ mà không cần xin thị thực nhập cảnh (visa).
Được biết, ngày 20 tháng Hai năm Minh Trị (Meiji) thứ 11 (tức năm 1878), văn bản pháp quy đầu tiên của Nhật Bản liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh và giấy tờ xuất nhập cảnh chính thức có hiệu lực với tên gọi “Quy tắc hộ chiếu hải ngoại”. Đây cũng là lần đầu tiên từ “hộ chiếu” được sử dụng trong các văn bản chính thức của Nhà nước Nhật Bản. Để kỷ niệm sự kiện đầy ý nghĩa này, năm 1998, Nhật Bản quyết định chọn ngày 20/02 hàng năm là “Ngày hộ chiếu Nhật Bản”./.
Tuấn Nhật/VOV Nhật Bản
Bình luận