Hướng đến tương lai, hợp tác giáo dục Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng lên cấp độ cao hơn, góp phần định hình mối quan hệ sâu sắc và thiết thực giữa thế hệ trẻ hai nước.
Hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ trên thực tế đã bắt đầu từ trước khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ. Thông qua các chương trình học bổng, trao đổi sinh viên, giảng viên, giáo dục đã sớm trở thành cầu nối đầu tiên giúp từng thế hệ trẻ của hai nước xích lại gần nhau.
Trong những năm qua, Mỹ đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Hiện có hơn 30 nghìn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ, không chỉ để nâng cao kiến thức, kỹ năng, mà còn để hiểu thêm về một nền văn hoá mới. Ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều sinh viên và học giả Mỹ tìm đến Việt Nam để nghiên cứu lịch sử, văn hoá. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học danh tiếng như Đại học Arizona, Đại học Pennsylvania, Carnegie Mellon hay Cornell đang triển khai các chương trình hợp tác sâu rộng với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, nhằm xây dựng những chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động công nghệ cao. Ông Allan Goodman, Chủ tịch danh dự Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), cho biết: "Các du học sinh Việt Nam tới Mỹ đều là những người rất xuất sắc. Họ chăm chỉ, luôn nỗ lực rèn luyện và có kết quả học tập rất tốt. Việc trao đổi học sinh giữa hai nước bắt đầu với chương trình học bổng Fulbright của Mỹ, với mục đích là tăng cường hiểu biết chung, góp phần cải thiện hệ thống giáo dục ở các quốc gia. Cũng nhờ những chương trình này và các bạn du học sinh như vậy mà chúng tôi hiểu hơn về Việt Nam, và các bạn cũng hiểu hơn về đất nước Mỹ."
Bên cạnh giáo dục truyền thống, các mô hình học tập linh hoạt như học trực tuyến, lớp học kết hợp và đào tạo xuyên quốc gia đang mở ra không gian mới cho hợp tác giáo dục Việt Nam - Mỹ. Sinh viên Việt Nam có thể học với giảng viên và sinh viên Mỹ ngay từ trong nước, trong khi các bạn trẻ Mỹ cũng có thể tham gia nhiều dự án nghiên cứu, học tập cùng sinh viên Việt Nam thông qua các nền tảng số. Các doanh nghiệp Mỹ cũng tích cực góp phần thúc đẩy xu thế này. Trong đó có thể kể đến việc Google hỗ trợ Đại học Fulbright Việt Nam mở rộng đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), hay Amazon, Meta và Microsoft đang cung cấp các chứng chỉ kỹ năng số qua nền tảng học trực tuyến, giúp sinh viên Việt Nam có thêm lựa chọn học tập chuẩn quốc tế, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.
Mới đây, một phái đoàn giáo dục Mỹ vừa đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Trao đổi học thuật quốc tế IAPP 2025, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác sâu hơn giữa các trường đại học hai nước. Chương trình gồm 50 trường đại học từ cả Việt Nam và Mỹ cùng đối thoại để thiết kế những khoá giảng dạy mang tính thực tiễn, đồng thời tạo cơ hội để sinh viên hai nước giao lưu nhiều hơn. Bà Mary Beth Polley, Tham tán Văn hóa, Đại sứ quán Mỹ, nhấn mạnh: "Khi các cơ sở giáo dục của hai nước có cơ hội gặp gỡ và tìm ra được những mục tiêu, thế mạnh chung, họ hoàn toàn có thể tìm kiếm các dự án hợp tác mới. Đông Nam Á là khu vực rất năng động trên thế giới, trong đó, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh. Chúng tôi tin tưởng sắp tới đây, sẽ có rất nhiều cơ hội cho các giáo sư, các trường đại học Mỹ tìm được đối tác phù hợp trong lĩnh vực mình ưu tiên, từ đó tiến tới hợp tác để mang lại lợi ích cho cả hai bên."

Có thể thấy, các chương trình trao đổi sinh viên, hội thảo học thuật, liên kết đào tạo hay trại hè quốc tế đang ngày càng mở rộng, trở thành những nền tảng hiệu quả giúp giới trẻ hai nước chia sẻ quan điểm, xây dựng niềm tin và cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, để giáo dục thực sự trở thành cầu nối bền vững giữa giới trẻ hai nước, cần có sự đầu tư lâu dài và chính sách hỗ trợ thiết thực. Mở rộng học bổng, đơn giản hóa thủ tục thị thực, thúc đẩy các chương trình song bằng và khuyến khích sinh viên tham gia các dự án liên quốc gia sẽ giúp nhiều bạn trẻ có thêm cơ hội học tập và giao lưu quốc tế. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết: "Chúng tôi đang kỳ vọng rằng sắp tới sẽ có các trường đại học của Mỹ thực sự có cơ sở tại Việt Nam. Chắc chắn sẽ có ngày càng nhiều trường học của Mỹ sẽ muốn hợp tác với các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Và cũng hy vọng là sẽ có nhiều học sinh, sinh viên Mỹ thực sự tới Việt Nam."
Tương lai của quan hệ Việt Nam – Mỹ không chỉ nằm trao đổi thương mại, mà còn được định hình bởi chính sự hiểu biết, kết nối và hợp tác giữa thế hệ trẻ hai nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, giáo dục đang chứng minh vai trò là cây cầu vững chắc kết nối các thế hệ trẻ hai nước, mở ra triển vọng cho một tương lai cùng phát triển trên nền tảng hiểu biết, tri thức và đổi mới. Với những nỗ lực chung, hai nước hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thế hệ trẻ gắn kết hơn, chủ động hơn và góp phần định hình quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai./.
Anh Thư
Bình luận