Mỹ và châu Âu: Khi đồng minh khủng hoảng niềm tin
VOV1 - “Cú sốc”, sự hoảng loạn hay “cơn ác mộng” là những gì báo chí mô tả về phản ứng của châu Âu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang làm đảo lộn liên minh xuyên Đại Tây Dương.

 

Chỉ 1 tháng sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã gây ra nhiều cú sốc cho đồng minh châu Âu, khiến niềm tin về liên minh xuyên Đại Tây Dương lung lay.  Triển vọng về chấm dứt xung đột Ukraine đang trở nên rõ ràng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Ông đã thúc đẩy các cuộc thảo luận với Nga về xung đột, hướng tới một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga trực tiếp.  Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Âu giờ đây đối mặt với thực tế là họ đang bị gạt khỏi tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine, nguy cơ chiến thương mại với Mỹ, cũng như yêu cầu của Washington về việc có thể điều động bao nhiêu quân tới Ukraine để gìn giữ hòa bình sau lệnh ngừng bắn. Thủ tướng Đức Olaf Scholz chia sẻ về thực tế này trong một phát biểu mới đây: "Không nên  có sự phân chia về an ninh và trách nhiệm giữa châu Âu và Mỹ. Nói cách khác, NATO được xây dựng trên nguyên tắc chúng ta luôn hành động cùng nhau và chia sẻ rủi ro, qua đó đảm bảo an ninh chung. Chúng ta cũng phải luôn ghi nhớ điều đó."

Tổng thống Trump không phải người xa lạ với nhiều lãnh đạo châu Âu, khi họ từng làm việc với ông trong 4 năm nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách cho biết họ thấy nhiệm kỳ lần này của ông Trump rất khác. Những chuyến thăm và phát biểu của quan chức Mỹ ở châu Âu tuần qua đã khiến nhiều lãnh đạo của lục địa này nhận ra họ đang bước vào địa vực mới, nơi châu Âu khó có thể tiếp tục phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Đây cũng là quan điểm của Tiến sĩ David Blagden –  chuyên gia an ninh và chiến lược quốc tế của đại học Exeter (Vương quốc Anh): "Người châu Âu hoàn toàn có thể lựa chọn tăng cường quyền tự chủ chiến lược. Nếu họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, họ sẽ không phải phụ thuộc quá nhiều vào lập trường của Mỹ. Mối lo ngại và thế khó của châu Âu hiện nay phần lớn là hệ quả của nhiều thập kỷ dựa dẫm, ưu tiên chi tiêu cho các lĩnh vực trong nước như phúc lợi xã hội hay kinh tế nội địa thay vì quốc phòng."

Trước những bất ổn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất thành lập lực lượng quân đội chung của EU và tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP. Một số nước như Phần Lan ủng hộ việc phát hành trái phiếu quốc phòng liên châu Âu, dù vấp phải tranh cãi về chia sẻ gánh nặng tài chính. Thậm chí, Thủ tướng Anh Keir Starmer còn đề xuất kế hoạch gửi quân đội đến Ukraine để hỗ trợ đảm bảo an ninh trong trường hợp bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga được ký kết.

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận