Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc
VOV1 - Thúc đẩy chuỗi giá trị nông lâm sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và Hội Làm vườn tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”

Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc

Thúc đẩy chuỗi giá trị nông lâm sản, chiều nay (1/7) tại tỉnh Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và Hội Làm vườn tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”. Phản ánh của phóng viên Minh Long.

# Với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ nông lâm sản và quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền, các tham luận tại Diễn đàn cùng nhau chia sẻ việc hình thành vùng nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh chế biến sâu; ứng dụng chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống logistics, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mặc dù là vùng nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa, tuy nhiên sản xuất nông lâm sản ở khu vực Tây Bắc hiện còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu; năng lực chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch, kho bãi còn hạn chế; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, giao thông còn khó khăn. Theo ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, các địa phương ở Tây Bắc cần tập trung sản xuất các nông sản có lợi thế cạnh tranh, trong đó tăng cường liên kết giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và địa phương: “Những cây trồng chủ lực chủ yếu là cây dài, cây hàng hóa có giá trị cao đòi hỏi phải đầu tư cả khoa học công nghệ để phát triển bền vững. Các địa phương không chỉ tập trung sản xuất mà phải có chiến lược đối với chuỗi giá trị của từng ngành hàng bởi sản xuất không chỉ cần kỹ thuật mà còn phải tổ chức sản xuất, liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp theo chuỗi và thị trường tiêu thụ”.

Chia sẻ về định hướng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho biết, địa phương đã và đang tận dụng các cơ hội để phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững, với định hướng về nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển vùng nguyên liệu ổn định để thu hút các nhà máy chế biến. Trong bối cảnh cả nước đang vận hành chính quyền địa phương 2 cấp những hạn chế về sản xuất nông lâm sản ở khu vực Tây Bắc đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ, mang tầm chiến lược. Nhấn mạnh đến việc liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản ở Tây Bắc, ông Nguyễn Thành Công cho rằng các địa phương cần tiếp tục tái cơ cấu sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu; tăng cường công nghiệp chế biến sâu và bảo quản sau nông sản sau thu hoạch. Bên cạnh việc mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm đầu ra cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng và quảng bá nông sản của vùng, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng: “Sản xuất nông nghiệp hiện nay không thể sản xuất theo hướng “mạnh ai người ấy làm” “cây nào cao giá trị thì trồng” mà bây giờ sản xuất phải vào chuỗi. Đây là yêu cầu tất yếu trong tổ chức sản xuất, qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến lớn. Nếu không có định hướng rõ ràng sẽ không giữ được vùng nguyên liệu. Ngoài việc tổ chức sản xuất đồng thời tiếp tục phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

         Ông Nguyễn Thành Công phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc" không chỉ là dịp để nhìn lại những tồn tại, hạn chế trong phát triển nông nghiệp vùng cao mà còn là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà quản lý cùng nhau đề xuất giải pháp, xây dựng chiến lược dài hạn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực. Việc liên kết vùng, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sẽ là chìa khóa để nông sản Tây Bắc tham gia sâu hơn vào thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững và hiệu quả./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận