Quảng Ninh: Không khoan nhượng với gian lận thương mại và thực phẩm bẩn
VOV1 - Một tháng qua, Quảng Ninh thực hiện chiến dịch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và thực phẩm bẩn, trận tuyến thầm lặng nhưng không ít khó khăn.

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, địa phương này có những hoạt động quyết liệt thể hiện tinh thần “không khoan nhượng” với các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sự phát triển lành mạnh của thị trường. Ghi nhận của Vũ Miền, PV Đài TNVN thường trú khu vực Đông Bắc: 

 Từ nội địa đến biên giới, lực lượng 389 tỉnh Quảng Ninh gần như không có ngày nghỉ. Chỉ trong tháng ra quân cao điểm, riêng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý hơn 150 vụ trong tổng số gần 400 vụ vi phạm được phát hiện và xử lý. Lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét vào sáng sớm hoặc chiều muộn, thời điểm “vàng” để phát hiện sai phạm. Bà Đinh Tuyết Nhung, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 tỉnh Quảng Ninh cho biết:

Băng:“Chúng tôi đặc biệt chú trọng kiểm tra đối với các kho lạnh kinh doanh mặt hàng thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt kiểm tra đột xuất vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối. Đây là là thời điểm giao nhận hàng để đạt được hiệu quả kiểm tra cao nhất vì họ thường chọn thời điểm vắng người và không kinh doanh và giờ hành chính để tránh né các lượng chức năng. Có những kho lạnh chỉ mở một lúc vào sáng sớm, sau đó đóng cửa cả ngày nên chúng tôi cũng phải cắt cử cán bộ thường xuyên rà soát trong và ngoài giờ hành chính để có thể triển khai kiểm tra đạt kết quả cao.” 

Khi lực lượng chức năng bên trong nội địa tăng cường hoạt động thì khu vực biên giới cũng không đứng ngoài cuộc. Đường biển, đường bộ và các bến bãi có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đều được giám sát bằng cả “tai mắt” của quần chúng nhân dân. Đại úy Nguyễn Đức Minh, Đội phó đội CSGT đường thuỷ, Công an tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: 

“Sau khi tiếp nhận tin báo của quần chúng nhân dân, Đội cảnh sát đường thủy cũng đã báo cáo lãnh đạo phòng cử tổ công tác trực tiếp xuống địa điểm quần chúng dân phản ánh, phát hiện có các phương tiện đang dỡ hàng xuống. Tiến hành kiểm tra hàng hóa đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Các đối tượng lợi dụng đêm tối để vận chuyển hàng hóa trước khi vận chuyển thì đều có xe đi trước, dẫn đường hoặc là để cảnh giới, gây khó khăn trong công tác tuần tra của lực lượng chức năng.”

Trong tháng cao điểm, tỉnh Quảng Ninh đã xử lý gần 400 vụ vi phạm, tăng 31% số vụ, tăng 175% giá trị vi phạm so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, đã khởi tố 6 vụ hình sự với 14 đối tượng, con số gấp 3 lần về số vụ và gấp 7 lần về số người. Ông Nguyễn Cảnh Thắng, Đội trưởng đội Kiểm soát Hải Quan khu vực VIII cho biết: 

“Việc phối kết hợp các lực lượng chức năng, nhất là hệ thống cập nhật, theo dõi vi phạm như hiện nay là chưa có. Hiện nay, ngành nào cũng có hệ thống theo dõi vi phạm của riêng ngành và xem được trên toàn quốc nhưng các ngành khác kết nối vào và xác định trường hợp này là vi phạm lần đầu hay tái phạm thì không thể biết được. Đây là yếu tố để xử lý theo tình tiết tăng nặng hay nhẹ, thì sẽ có biện pháp răn đe cao hơn. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị mong muốn có phần mềm như dịch vụ một cửa quốc gia, để tất cả các lực lượng đều vào khai thác được.”

Hiệu quả cuộc chiến chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ từ các lực lượng chức năng mà còn nằm ở chính lựa chọn tiêu dùng của mỗi người dân. Việc nâng cao ý thức cộng đồng trong lựa chọn, sử dụng hàng hóa có nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm cũng là yếu tố then chốt để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng:

“Chúng tôi rất là hoan nghênh, mong nhà chức trách phải triệt để cho người dân có niềm tin. Vì chúng tôi muốn mua hàng thật, dù có đắt nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận được. Đắt thì mình ăn ít thôi nhưng mà hàng phải chất lượng.”

“Tôi và đi mua hàng tôi quan tâm nhất đến hạn sử dụng, thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ từ đâu. Bởi vì sức khỏe của mỗi người dân chúng tôi là trên hết.” 

Từ đầu năm 2025 đến nay, Quảng Ninh đã phát hiện và xử lý gần 1.500 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng trị giá vi phạm hơn 33 tỷ đồng. Những con số này không chỉ phản ánh nỗ lực của lực lượng chức năng, mà còn là hồi chuông cảnh báo cho mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi "hàng thật", "hàng chất lượng" không chỉ tạo niềm tin mà còn giữ gìn sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ đạo đức kinh doanh và nuôi dưỡng niềm tin xã hội./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận