Ngân hàng Nhà nước: Doanh nghiệp, người dân sẽ dễ tiếp cận vay tín dụng hơn trong 6 tháng cuối năm
VOV1 - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, diễn ra chiều 03/7, lãnh đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng.

Thông tin về tình hình tăng trưởng tín dụng và lãi suất 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tín dụng. Các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo nền tảng để tiết kiệm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay. Kết quả lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức là 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024. Về tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh theo diễn biến tình hình kinh tế. Kết quả là sau khi thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6/2024) tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây. 

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Về tốc độ, hai cái lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên đến 100.000 tỷ đồng và thực hiện rất tốt, hiệu quả. Ngoài ra, các chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai một cách tích cực. 

Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội, hay chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sở hữu số, các chương trình có chính sách đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.  Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nêu rõ: Để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành một cách đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ngoài ra sẽ kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng.

- Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước khẩn trương xem xét gỡ bỏ công cụ room tín dụng, điều hành theo cơ chế thị trường;
- Bộ Tài chính phát cảnh báo đến người dân và doanh nghiệp trước việc giả mạo, lợi dụng danh nghĩa của Bộ Tài chính và lãnh đạo Bộ Tài chính để lừa đảo người dân nhằm trục lợi cá nhân.

- Ngân hàng Nhà nước: Doanh nghiệp, người dân sẽ dễ tiếp cận vay tín dụng hơn trong 6 tháng cuối năm;
- Thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index tăng 5 điểm về cuối phiên.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận