Các đại biểu tham gia Diễn đàn công nghiệp xanh 2025 với chủ đề “Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững”, do Tạp chí kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức sáng 9/7, khẳng định những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế của nước ta được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam đã vươn lên nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao, đóng góp hơn 30% GDP và nằm trong tốp 25 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mô hình công nghiệp hiện tại của nước ta đang gây áp lực lớn lên môi trường, xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Trong bối cảnh thế giới chuyển mạnh sang phát triển xanh, công nghiệp xanh không chỉ là xu thế mà là yêu cầu bắt buộc để Việt Nam duy trì tăng trưởng cao và đáp ứng được các chuẩn mực phát triển bền vững toàn cầu.
Ông Trần Tấn Sỹ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings cho biết, doanh nghiệp đang này đang xây dựng 2 khu công nghiệp có diện tích hơn 6 nghìn ha tại tỉnh Đồng Nai. Từ mục tiêu chung của Chính phủ về cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2025 và là xu thế tất yếu của thế giới, nên ngay từ khâu quy hoạch, doanh nghiệp đã dành quỹ đất và sẽ đầu tư công nghệ để tái xử lý nước, xử lý rác và quy hoạch nơi cung cấp khí gas và khí hidro xanh sau này.
“Việc chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái là một cơ hội vì chúng ta đang trong xu hướng chuyển đổi xanh. Các nhà đầu tư lớn trên thế giới mà chúng tôi làm việc như Apple, Microsolt hay Google họ đều đặt mục tiêu Netzero vào năm 2030, không phải chỉ cho doanh nghiệp của họ mà cho toàn bộ chuỗi cung ứng trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ của các đối tác đều phải tuân thủ mục tiêu này. Như vậy, nếu các khu công nghiệp không đảm bảo được cung cấp hạ tầng kỹ thuật như điện, nước với các tiêu chí của các khu công nghiệp sinh thái, các tiêu chí đảm bảo không phát thải thì khu công nghiệp đó không thể thu hút được nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp khoa học công nghệ và các nhà đầu tư tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” - Ông Trần Tấn Sỹ nêu thực tế.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Học Viện chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Tài chính cho biết, trong 5 năm nay, cả nước đã thí điểm 7 khu công nghiệp sinh thái. Qua khảo sát cho thấy, ý thức của các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp xanh đang ngày càng được nâng cao. Mục tiêu của các doanh nghiệp, dù là điều hành bởi người Việt Nam hay người nước ngoài đều hướng tới sự hài hòa giữa phát triển khu công nghiệp tạo ra lợi nhuận với vấn đề bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế, chính sách cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện để các doanh nghiệp “không đơn độc” trong quá trình chuyển đổi xanh của mình.
“Sự đồng hành của Chính quyền, đặc biệt là Chính quyền địa phương. Ở cấp Trung ương thì chính sách rất vĩ mô, nhưng ở cấp chính quyền địa phương và hệ thống cơ chế, chính sách của nước ta làm sao phải minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện thì sẽ giúp các khu công nghiệp sinh thái, hay nói rộng hơn là ngành công nghiệp hướng tới công nghiệp xanh của chúng ta sẽ trở thành một động lực quan trọng giúp kinh tế nước ta phát triển trong tương lai” - Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng nêu ý kiến.
Các ý kiến tham luận tại diễn đàn cũng nhấn mạnh vai trò của khu công nghiệp thế hệ mới, tích hợp hạ tầng tuần hoàn, công nghệ tiên tiến và quản trị bền vững. Theo nghiên cứu, các khu công nghiệp xanh có thể tăng suất lao động 15-25%, cải thiện môi trường làm việc và thu hút nhân lực chất lượng cao. Đây được xem là mô hình tiên phong cho chuyển đổi công nghiệp xanh tại Việt Nam./.
Bình luận