Câu chuyện của anh không chỉ là hành trình đưa trái bơ Mã Dưỡng vươn ra thế giới, mà còn là khát vọng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp công nghệ trong nông nghiệp.
Từ hoài bão kỹ sư đến 'vua bơ' công nghệ
Với tấm bằng kỹ sư tự động hóa từ Pháp và những lời mời chào hấp dẫn, con đường sự nghiệp của Đặng Dương Minh Hoàng tưởng chừng đã được định sẵn tại các tập đoàn lớn.
Thế nhưng, anh lại quyết định rẽ hướng, trở về quê nhà tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (nay là xã Đức Hạnh, tỉnh Đồng Nai) để viết nên câu chuyện của riêng mình với nông nghiệp.
Quyết định táo bạo ấy đã được đền đáp xứng đáng. Ở tuổi 37, anh Hoàng giờ đây là ông chủ của Nông trại Thiên Nông trù phú rộng hơn 50ha. Trên mảnh đất ấy, 12ha bơ Mã Dưỡng trĩu quả không chỉ là đặc sản của vùng mà còn là "cỗ máy" mang về doanh thu hơn 6 tỷ đồng mỗi năm.
Trái bơ từ đây không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà còn tự tin đặt chân đến Lào, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, và đang tiếp tục hành trình vươn đến trời Âu.

Vậy, điều gì đã giúp một nông dân trẻ đưa trái bơ Việt Nam chinh phục những thị trường quốc tế khắt khe? Với Đặng Dương Minh Hoàng, câu trả lời nằm gọn trong hai từ: công nghệ. Anh đã áp dụng công nghệ Blockchain để tạo ra một "hộ chiếu điện tử" cho từng trái bơ.
Chỉ với một thao tác quét mã QR trên điện thoại, toàn bộ "nhật ký" của trái bơ – từ nhà vườn, quy trình chăm sóc, loại phân bón đến ngày thu hoạch – đều được hiển thị minh bạch.
Chiến lược "không khoảng cách" này đã đưa thương hiệu "Bơ Ông Hoàng" vượt qua các khâu trung gian để đến thẳng tay người tiêu dùng, xây dựng một niềm tin vững chắc bằng sự rõ ràng.
Rõ ràng xu hướng nông nghiệp sạch, ăn để không bị bệnh là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng, đang được nhiều người săn đón. Tuy nhiên, nếu làm nông nghiệp hữu cơ mà không biết cách làm nông nghiệp số, hoặc chưa biết cách làm nông nghiệp số thì chúng ta mất đi cơ hội kết nối với người tiêu dùng. Việc kết hợp nông nghiệp số và nông nghiệp hữu cơ giúp người tiêu dùng giám sát được từ xa, minh bạch hóa quy trình sản xuất, quá trình canh tác của cây, bảo vệ thương hiệu, xây dựng thương hiệu.
Không chỉ minh bạch, quy trình sản xuất còn được tự động hóa gần như hoàn toàn. Hệ thống cảm biến, tưới nhỏ giọt và châm phân tự động đến từng gốc cây cho phép anh điều hành cả nông trại chỉ qua chiếc điện thoại thông minh. Mô hình chuẩn VietGAP này chính là nền tảng giúp anh giành được Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 danh giá.

Hành trình lan tỏa ngọn lửa đam mê
Thành công không chỉ giữ cho riêng mình, anh Hoàng tâm niệm rằng trong nông nghiệp, "muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". Triết lý này đã trở thành kim chỉ nam cho hành trình lan tỏa giá trị của anh.
Tháng 6/2022, được sự đồng hành của những người cùng chí hướng, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp số Bình Phước ra đời. Đây là một trong những HTX tiên phong về chuyển đổi số của tỉnh, nhanh chóng nhân rộng mô hình trồng bơ công nghệ cao lên diện tích 200ha.
Với vai trò Giám đốc HTX và Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, anh Hoàng đã trở thành người truyền cảm hứng, trực tiếp tư vấn và chuyển giao công nghệ, kiến tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, giúp bà con nông dân cùng nhau làm giàu.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ sở hữu của Gia Bảo Ecofarm ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long (nay là phường Phước Long, tỉnh Đồng Nai), Phó Giám đốc HTX, tự hào nhận xét:
"Hoàng có thế mạnh lĩnh vực công nghệ thông tin, rất nhạy bén với những đổi mới nên đã hướng dẫn anh em, cũng như kết nối nguồn thông tin để làm cho việc số hóa mạnh mẽ, mượt mà hơn).
Mô hình của anh Hoàng không chỉ là một câu chuyện thành công đơn lẻ, mà đã trở thành nguồn cảm hứng, một hình mẫu tiêu biểu cho hướng đi nông nghiệp thông minh của cả tỉnh Đồng Nai. Làn sóng ứng dụng công nghệ cao đang ngày một lan rộng, từ các trang trại tới từng hộ canh tác nhỏ.
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, khẳng định sự đồng hành của chính quyền:
"Sở sẽ tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, thông qua hệ thống kết nối khuyến công và các trường đại học, doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp số kết nối từ tỉnh đến các xã, phường, giám sát sản xuất và dự báo thị trường chính xác hơn. Ưu tiên nguồn lực từ các chương trình khoa học công nghệ của tỉnh, quốc gia để đầu tư hạ tầng số, thiết bị công nghệ để chuyển giao vào sản xuất. Chúng tôi tin rằng với sự đồng hành của chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân thì ứng dụng khoa học công nghệ sẽ trở thành động lực then chốt, đưa nông nghiệp Đồng Nai phát triển bền vững, thông minh và cạnh tranh trong tương lai).
Câu chuyện từ vườn bơ của Đặng Dương Minh Hoàng đã cho thấy, những hạt mầm công nghệ khi được gieo trên mảnh đất quê hương bằng trí tuệ và khát vọng có thể nảy nở thành những "trái ngọt" vươn tầm thế giới. Đó không chỉ là hành trình làm giàu của một cá nhân, mà còn là chương mở đầu đầy hứa hẹn cho nền nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ số toàn cầu.
Thiên Lý/tp HCM
Bình luận