Chiều 8/7, tại Hà Nội, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương chủ trì phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới”. Chủ trì diễn đàn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng sự tham dự của lãnh đạo một số ban, bộ ngành trung ương, địa phương, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành hàng và hơn 300 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trên cả nước.

Kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,5-7,6%, mức cao nhất gần 20 năm qua, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là những cơ sở quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và tạo đà phấn đầu đạt tăng trưởng “hai con số” trong giai đoạn tới. Mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân là sứ mệnh chung của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và toàn xã hội. Diễn đàn lần này là cơ hội để lắng nghe ý kiến tâm huyết, đa chiều từ các chuyên gia, doanh nhân, địa phương, qua đó xây dựng đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang nhấn mạnh: trong bối cảnh nhiều đổi thay mang tính cách mạng, cần biến tư duy, chủ trương thành hành động và kết quả thực chất, đóng góp vào sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. “Chúng tôi và các quý vị nữa đều cảm thấy hào hứng và tự tin hơn vì chúng ta đã chứng kiến những sự đổi thay rất mạnh mẽ có tính chất cách mạng trong rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều chủ trương, đường lối, trong cách làm, trong tư duy mới, cách tiếp cận mới, như việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính. Một số nghị quyết có tính chất chiến lược mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Điều này cũng có nghĩa là tạo cho chúng ta một áp lực rất lớn, đó là làm sao để những câu chữ mà chúng ta từng nghe từng viết biến thành của cải, sự phát triển thành một ngày mai tươi sáng”
Diễn đàn là nơi tập hợp trí tuệ, khát vọng và quyết tâm từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng hai con số. Toàn cầu cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, như: biến động địa chính trị, suy giảm tăng trưởng, khủng hoảng niềm tin vào hợp tác đa phương, chủ nghĩa dân tộc gia tăng, rồi biến đổi khí hậu và già hóa dân số. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và có vị thế ngày càng vững chắc trên trường quốc tế.

Để tận dụng cơ hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Đó là: cải cách thể chế toàn diện, đặc biệt sửa 3 luật lớn (đất đai, quy hoạch, khoáng sản); Khơi thông gần 2.900 dự án vướng mắc, trị giá hàng trăm tỷ USD; Tăng đầu tư công, huy động nguồn lực tư nhân; Phát triển hạ tầng hiện đại (cao tốc, đường sắt, cảng biển...); Khai thác không gian phát triển mới qua sáp nhập đơn vị hành chính và phát triển các cực tăng trưởng lớn; Đẩy mạnh khoa học công nghệ, đào tạo 100.000 kỹ sư bán dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tham gia chuỗi giá trị; Hội nhập quốc tế sâu rộng và thực chất, tận dụng hợp tác toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và người dân đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Liên quan đến tháo gỡ thể chế, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: “Cần phải tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu. Hiện nay Bộ Chính trị đang chỉ đạo 3 bộ luật cần phải sửa đổi ngay, trong đó có Luật đất đai, Luật quy hoạch, Luật Khoáng sản đang còn rất nhiều các điểm nghẽn, chưa tháo gỡ được các nguồn lực của đất nước. Hiện nay đang giao cho các cơ quan, bộ, ngành, giao cho Chính phủ chủ động nghiên cứu từ nay đến kỳ họp tháng 10 phải sửa đồng bộ và đồng loạt. Khi mà chúng ta khơi thông được những điểm nghẽn này thì đưa vào nền kinh tế một lượng vốn rất lớn và nguồn lực rất lớn cho phát triển những năm tới đây”
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã hiến kế cho các lĩnh vực, các ngành kinh tế có tỷ trọng đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP như: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, bán lẻ, tiêu dùng... Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho các lĩnh vực, ngành hàng, các khu vực kinh tế chia sẻ nhiều thông tin thực tiễn, đánh giá khả năng, cơ hội bứt phá tăng trưởng hiện nay và giai đoạn tới của từng ngành, lĩnh vực góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng việc tháo gỡ nhanh, tháo gỡ triệt để các rào cản có ý nghĩa tiên quyết trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. Bên cạnh đó, cần thiết kế, kiến tạo các cơ chế, chính sách mới có tính đột phá cao nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành chiến lược mang lại giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu./.
Kim Thanh - VOV1