Nghề muối không chỉ là một nghề truyền thống lâu đời mà còn đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và văn hóa, đặc biệt tại các tỉnh ven biển như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu... Trong bối cảnh nghề muối đối mặt với nhiều thách thức về giá cả, biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025 là dịp để nhìn lại chặng đường 100 năm của nghề muối Việt Nam nói chung và nghề muối Bạc Liêu nói riêng, từ đó tạo cơ hội để quảng bá, tôn vinh và nâng cao vị thế ngành muối, giá trị hạt muối Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thông qua Festival, Ban tổ chức mong muốn làm đẹp hơn những sản phẩm làm từ muối đến người tiêu dùng trong nước và tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, diêm dân, nhà khoa học cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hạt muối, đồng thời tôn vinh người làm muối cùng các sản phẩm muối tiêu biểu. “Chúng tôi có mời khách trong nước, khách quốc tế. Cái mục tiêu làm sao trao đổi kinh nghiệm để tìm được cái giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của nghề muối. Chúng tôi cũng đang tổng hợp các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các cá nhân có những sản phẩm muối tiêu biểu và hiện nay chúng tôi đang thành lập Hội đồng để chấm các sản phẩm muối tiêu biểu này. Các sản phẩm này sẽ được tôn vinh cùng các nghệ nhân trong Lễ khai mạc.”

Chính thức diễn ra từ ngày 06/3- 08/3/2025 tại 2 địa điểm chính là thành phố Bạc Liêu và huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Festival nghề Muối Việt Nam- Bạc Liêu năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức với nhiều hoạt động nổi bật như: Không gian trưng bày, giới thiệu muối, gia vị và các sản phẩm OCOP với khoảng 100 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, sản phẩm OCOP doanh nghiệp, sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến tại Quảng trường Hùng Vương; các hoạt động “Về Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử” và tổ chức không gian trưng bày các mô hình, hiện vật, các tiến bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến muối; các tour tham quan các điểm du lịch, di tích lịch sử; tổ chức Hội thảo Định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch muối Bạc Liêu; Hội thảo chất lượng muối Bạc Liêu với quy trình sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc; Hội thảo Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ông Lưu Hoàng Ly- Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, các hoạt động phục vụ cho Festival gồm 32 nội dung, trong đó 22 nội dung do tỉnh thực hiện, 7 nội dung phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 3 nội dung phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đến thời điểm này, khâu chuẩn bị cho các nội dung đang được gấp rút hoàn thành. “Các vấn đề đang thực hiện như kế hoạch Về Bạc Liêu nghe đàn ca tài tử, xây dựng không gian trưng bày các sản vật nghề muối cũng như là các tua, tuyến du lịch, tuyên truyền, quảng bá pano, áp phích, cờ phướng tại các khu trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố thì các đơn vị đã vào cuộc rất tích cực. Về đảm bảo an ninh, trật tự, điện trong thời gian diễn ra sự kiện thì các ngành điện lực, Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai khá tốt vấn đề này. Như chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là tất cả công việc chuẩn bị là phải hoàn thành, hoàn chỉnh một cách tốt nhất ngày 25/2/2025.”

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, việc tổ chức Festival không chỉ nhằm vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm muối truyền thống mà còn để đẩy mạnh truyền thông về nghề muối, hạt muối. Để từ đó, diêm dân quyết tâm hơn trong việc giữ nghề, diện tích sản xuất muối; thu hút sự quan tâm của Trung ương để có những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành nhiều nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng tầm giá trị hạt muối, giúp diêm dân sống tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm tiêu biểu của Bạc Liêu đến với người dân, du khách trong và ngoài nước. “Làm nghề muối nó mặn đắng, thăng trầm, khổ sở, khó khăn cho nên tôi nghĩ chúng ta sẽ tổ chức thành công nghề muối Việt Nam tại Bạc Liêu. Qua Festival Chính phủ, Bộ ngành chính quyền quan tâm nhiều hơn, rồi nhân dân, trong nước, ngoài nước quan tâm nhiều hơn, chúng ta tìm mọi cách để đẩy nghề muối lên, hỗ trợ diêm dân kịp thời thì diêm dân sẽ sống được, khá lên từ muối. Chúng ta thường nói muối mặn nhưng mà tổ chức Festival rồi nó sẽ trở thành ngọt tình, ngọt nghĩa; ngọt về tình đất, tình người Bạc Liêu, để lại ấn tượng sâu sắc.”
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng hy vọng Festival nghề muối Việt Nam- Bạc Liêu 2025 mở ra cơ hội kết nối ngành muối với các lĩnh vực du lịch, ẩm thực, y tế..từ đó nâng cao giá trị hạt muối trên thị trường trong nước và quốc tế, mang lại lợi ích bền vững cho người làm muối và các doanh nghiệp trong ngành.
Tấn Phong/VOV ĐBSCL
Bình luận