Ngay từ những ngày đầu, chính quyền cấp xã, phường mới được định hướng thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ. Tuy vậy, việc làm quen với hạ tầng số và quy trình kỹ thuật mới làm không ít cán bộ cơ sở còn lúng túng, đặc biệt là thực hiện thao tác thiết lập tài khoản, sử dụng chữ ký số hay điều phối hồ sơ trên phần mềm điện tử. Thành phố Huế đã kích hoạt hệ thống hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến để tháo gỡ vướng mắc. Các tổ kỹ thuật chuyên trách được phân công “cầm tay chỉ việc” tại chỗ hoặc kết nối từ xa, hỗ trợ kịp thời cán bộ cơ sở. Các sở, ngành cử lực lượng trực thường xuyên hỗ trợ, đảm bảo quy trình tiếp nhận- xử lý-trả kết quả hành chính không bị gián đoạn. Người dân bắt đầu cảm nhận rõ sự thay đổi trong cách phục vụ.
Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh, ở thôn Đông Thái, phường Phong Điền, thành phố Huế (xã Phong Mỹ, thị xã Phong Điền (cũ) bày tỏ hài lòng với chính quyền mới: “Với chính quyền hai cấp thì thứ nhất gọn hơn. Thứ hai, nhanh, gọn cho người dân trong quá trình thủ tuc làm các chế độ, cũng như các hồ sơ. Chắc chắn trong tương lai gần thì mọi công việc sẽ ổn định hơn và sẽ nhanh gọn hơn cho người dân”.

Phường Phong Điền mới, thành phố Huế được hình thành trên cơ sở sáp nhập thị trấn Phong Điền và các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, thị xã Phong Điền (cũ). Đây là phường có diện tích lớn nhất thành phố Huế. Những ngày qua, Trung Tâm phục vụ hành chính công phường Phong Điền, thành phố Huế rất đông người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh, khai tử, xác nhận hồ sơ, làm giấy tờ nhà đất, hộ tịch… Ông Hồ Đôn, Chủ tịch UBND phường Phong Điền, thành phố Huế cho biết, UBND phường bố trí thêm hai điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính tại các trụ sở UBND xã Phong Mỹ, Phong Xuân (cũ), sau đó vận chuyển hồ sơ về phường mới để xử lý trong ngày:
“Từ phường trung tâm đây là có Trung tâm Hành chính công, chúng tôi phải phục vụ cho dân tại hai điểm nữa, đó là Phong Xuân và Phong Mỹ (cũ). Chúng tôi cử người để tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân của 2 điểm này và chúng tôi ký hợp đồng với VNPT một ngày bốn vòng, luân chuyển hồ sơ để trả lại cho người dân thực hiện xong các hồ sơ trong ngày. Chúng tôi thấy đây là vấn đề để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn”.

Tại một số xã, phường mới như Phong Dinh, Kim Trà, Long Quảng, Kim Long…,thành phố Huế hạ tầng kỹ thuật bước đầu còn gặp khó khăn như: dữ liệu chưa đồng bộ, chưa kích hoạt được hệ thống trả kết quả tự động. Thành phố Huế đã huy động sự phối hợp của các đơn vị kỹ thuật như VNPT, Viettel và 166 đầu mối bưu chính công ích.
Điểm điều hành chính được đặt tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố để kịp thời hỗ trợ các xã, phường khi cần can thiệp kỹ thuật. Ngoài ra, các “Tổ công nghệ số cộng đồng” và “Đội hỗ trợ phản ứng nhanh” tiếp tục được duy trì, trực tiếp hướng dẫn các xã, phường thao tác và xử lý tình huống phát sinh tại cơ sở. Thành phố Huế tổ chức hai cuộc họp trực tuyến mỗi ngày vào đầu và cuối ngày với 40 Trung tâm phục vụ hành chính công để cập nhật tình hình, điều hành thống nhất và xử lý vướng mắc kịp thời. Cách làm này bảo đảm điều hành xuyên suốt, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Trong đợt kiểm tra tại cơ sở mới đây, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Thành ủy Huế ghi nhận nỗ lực của đội ngũ cơ sở và yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực thực thi công vụ: “Một số quy trình, thủ tục thì bước đầu vẫn còn lúng túng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn cho các xã, phường để thực hiện tốt các quy định, thủ tục. Trước mắt,thành phố đã thành lập các tổ công tác để chỉ đạo trực tiếp. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 3 tổ công tác để đi trực tiếp các đơn vị, chỉ đạo, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, để cho hệ thống hành chính vào phục vụ hiệu quả, gần dân hơn, sát dân hơn theo chỉ đạo của trung ương”./.
Lê Hiếu/VOV Miền Trung
Bình luận