Theo Cơ quan quản lý viễn thông Ofcom của Anh, thanh thiếu niên nước này thời gian qua dành trung bình 4 giờ mỗi ngày cho điện thoại thông minh. Nhưng đang có một tín hiệu khả quan khi mới đây, con số người trẻ tìm đến mô hình mới có tên “Câu lạc bộ ngoại tuyến” ở London để cai nghiện điện thoại đang ngày càng tăng lên, phản ánh xu hướng muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào các thiết bị thông minh của giới trẻ Anh.
Thời gian gần đây tại thủ đô London của Anh, cứ mỗi tối, khoảng 150 thanh niên trong độ tuổi từ 20-35 lại háo hức dành một buổi tối “không điện thoại” kéo dài 2 giờ tại “Câu lạc bộ ngoại tuyến”. Không còn những tiếng tinh tinh, píp píp hay tiếng rung báo hiệu tin nhắn, điện thoại hay đơn hàng mới, tất cả chỉ là các hoạt động giao lưu, tiếp xúc trực tiếp với nhau. Anh Ben Hounsell - 23 tuổi, Ban Tổ chức Câu lạc bộ Ngoại tuyến cho biết: “Mọi người khi đến đây sẽ buộc phải bỏ lại điện thoại hay các thiết bị số ở bên ngoài và hoàn toàn không bị phân tâm. Nếu ở nhà, bạn có thể để điện thoại ở phòng khác, nhưng chợt nhớ ra điều gì là lại lấy dùng một cách dễ dàng. Ở đây thì không như vậy. Và việc luôn luôn bán hết vé sinh hoạt câu lạc bộ cho thấy, thực sự có nhiều người muốn tránh xa và cai nghiện thiết bị điện tử”.

Mỗi người tham gia câu lạc bộ sẽ phải trả 9,5 bảng Anh (khoảng 12 USD) để có cơ hội tắt điện thoại và kết nối trực tiếp với nhau. Không chỉ tham gia các hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, đàn hát, chơi cờ, đọc sách...., nhiều người đến đây cũng mong muốn tìm được những người bạn mới để dần giảm bớt các cơn nghiện điện thoại bấy lâu. Chị Lois Shafier - thành viên tham gia “Câu lạc bộ Ngoại tuyến” chia sẻ: “Tôi có thể dành từ 6-8 tiếng mỗi ngày để dùng điện thoại ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào cuối tuần khi không phải đi làm. Tôi cảm giác như đó là những cơn nghiện mà tôi khó có thể dứt bỏ được”.
Anh Harry Stead - một thành viên khác của câu lạc bộ cũng đồng tình cho biết, rất nhiều người trẻ bây giờ mắc chứng “FOMO” - “Fear of Missing Our”, tạm dịch là “Sợ bị bỏ lỡ” điều gì đó, vì thế luôn cảm thấy thôi thúc phải nhìn vào điện thoại và lướt xem tất cả những nội dung mới nhất: “Theo một cách nào đó, nhiều người không nhận ra rằng, bản thân mình đang thực sự bị nghiện những thứ mà tưởng rằng đó là sở thích. Chỉ đến khi bạn thực sự tách khỏi điện thoại và nhận ra rằng, mình đã làm những hành động rất vô thức là lướt màn hình, nhìn vào các nội dung ngẫu nhiên hiện ra mà không vì bất cứ lý do hay mục đích gì. Khoảnh khắc nhận ra điều đó, tôi thấy mình thực sự tự do”.
Tất nhiên, anh Ben Hounsell - Ban tổ chức Câu lạc bộ cho biết, anh không phản đối công nghệ hay kêu gọi mọi người từ bỏ hay cai nghiện hoàn toàn điện thoại. Nhưng việc chỉ cần tránh xa điện thoại vài giờ mỗi ngày hoặc mỗi tuần đã mang lại những lợi ích lớn không ngờ tới. Anh cho biết, kể từ khi câu lạc bộ ra mắt vào cuối tháng 10 năm ngoái đã có hơn 2.000 người tham gia thường xuyên và hiện đang tiếp tục thu hút các thành viên mới. Câu lạc bộ hiện đã mở các chi nhánh tại Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha) và Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE)./.
Bình luận