Thông tin này nhằm trả lời câu hỏi của một nghị sỹ tại Hạ viện Ấn Độ về việc liệu sự chuyển dịch tiền tệ toàn cầu sang vàng có báo hiệu động thái rời xa đồng đôla Mỹ như một cơ chế thanh toán thống trị hay không. Bà Sitharaman nói tại phiên họp của Hạ viện Ấn Độ: “Vàng cũng được lưu giữ tại Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ và Ngân hàng Dự trữ cũng đang mua vàng. Nhưng ngoài điều đó ra, liên quan đến một loại tiền tệ quốc tế hoặc một loại tiền tệ tiềm năng, tôi không có nhiều bình luận ở giai đoạn này”.
Kể từ khi Mỹ từ bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971, vàng đã mất đi tầm quan trọng của mình như một tài sản tài chính lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã gia tăng lượng vàng nắm giữ. Từ mức chỉ chiếm 6% dự trữ toàn cầu vào năm 2006, vàng hiện chiếm khoảng 11% vào năm 2024. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những quốc gia tích cực mua vàng nhất. Giá vàng trong nước tại Ấn Độ cũng đã tăng vọt.
Trong phiên chất vấn, nghị sỹ Ấn Độ Manish Tiwari đặt câu hỏi: “Sự dịch chuyển từ đôla Mỹ sang vàng, liệu có phải là việc tìm kiếm về một cơ chế thanh toán quốc tế mới thay thế đồng đôla Mỹ hay không?”. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ thừa nhận nhu cầu vàng ở Ấn Độ vẫn mạnh và thậm chí còn tăng. Bà cho rằng điều này là do sở thích truyền thống của các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và phụ nữ Ấn Độ đối với vàng như một khoản đầu tư an toàn và có tính thanh khoản cao.
![Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman phát biểu tại một phiên họp của Hạ viện Ấn Độ](/sites/default/files/2025-02/20250204101l_20250211134150.jpg)
Liên quan đến việc mua vàng của RBI, bà Sitharaman xác nhận rằng ngân hàng trung ương Ấn Độ đang tích lũy vàng để duy trì danh mục dự trữ cân bằng. Ngoài việc duy trì đồng đôla Mỹ như là thành phần chủ đạo trong dự trữ ngoại hối của Ấn Độ, RBI cũng nắm giữ dự trữ bằng các loại tiền tệ khác và vàng. Bà nhấn mạnh rằng động thái này là một phần của chiến lược đa dạng hóa dự trữ chứ không phải là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang chuyển hướng khỏi đồng đôla Mỹ hoặc thúc đẩy một cơ chế thanh toán quốc tế thay thế.
Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm xuất hiện ngày càng nhiều cuộc tranh luận toàn cầu về việc phi đôla hóa. Thậm chí, một số quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp thay thế đồng đôla Mỹ cho thương mại và dự trữ ngoại hối./.
Bình luận