50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức: Nhìn lại một chặng đường
VOV1 - Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, Việt Nam và Đức đã cùng trải qua 5 thập kỷ hợp tác sâu rộng và chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong thời gian tới, hợp tác hai bên sẽ tiếp tục được củng cố hơn nữa, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức liên tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đi vào chiều sâu và thực chất. Các chuyến thăm, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, giúp duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Đồng thời, hai bên cũng tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Quan hệ thương mại song phương đặc biệt phát triển tích cực kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào hiệu lực từ năm 2020. Năm ngoái, thương mại song phương đạt gần 19 tỷ ơ-rô. 530 doanh nghiệp Đức đã và đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng đầu tư hơn 3,4 tỷ ơ-rô, tạo ra 50 nghìn việc làm. Theo Đại sứ Đức tại Việt Nam Margarete Barth, các doanh nghiệp Đức hiện mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ đơn giản hoá các thủ tục hành chính, cấp giấy phép, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Đại sứ Margarete Barth cũng cho biết, các sản phẩm của Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người dân Đức. 

"Rất nhiều sản phẩm, thực phẩm Việt Nam thu hút người dân Đức, trong đó có cả nước mắm nữa. Ở nhiều siêu thị ở Đức tôi cũng tìm thấy hạt tiêu của Phú Quốc nữa. Tôi nghĩ là các doanh nghiệp Việt Nam rất khéo léo trong việc tiếp cận và khai thác thị trường Đức. Ngoài ra còn có các sản phẩm điện tử. Việt Nam trong những năm vừa qua ngày càng trở thành một cơ sở sản xuất những sản phẩm điện tử hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả các công ty của Đức. Nhiều công ty sản xuất các sản phẩm điện tử tại Việt Nam để tận dụng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU, nhằm xuất khẩu sang EU." 

Đặc biệt, giao lưu nhân dân luôn là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ đối tác Việt Nam - Đức. Đức vẫn luôn là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam. Hiện có 35 nghìn người Việt Nam theo học và tham gia các kỳ thi tiếng Đức. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch Đức đến Việt Nam đứng thứ 2 trong EU, với 250 nghìn người. Sau Vietnam Airline, hiện Vietjet cũng đang có kế hoạch mở đường bay thẳng mới từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Frankfurt và một số thành phố khác của Đức. Những thuận lợi này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng lượng du khách Đức tới Việt Nam và ngược lại.  

Đại sứ Đức tại Việt Nam Margarete Barth cho rằng, năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt-Đức, sẽ là cột mốc mới để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích cho người dân hai nước. 

"Đức rất vui mừng khi mối quan hệ giữa hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ như hiện nay, mối quan hệ được thúc đẩy không ngừng từ cả hai phía. Có thể thấy giao lưu nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong hợp tác Việt Nam - Đức, và cần tiếp tục được tăng cường hơn nữa. Những năm 80 có rất nhiều người Việt Nam sang Đức học tập, làm việc. Và giờ đây, chúng tôi cũng rất mong muốn sẽ được thấy nhiều người trẻ Việt Nam hơn nữa tới Đức để học tập, nghiên cứu."

Nhìn về tương lai, Việt Nam và Đức có nền tảng quan hệ tốt đẹp, gắn kết về lịch sử và con người, bối cảnh hiện nay cũng đang tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác giữa hai nước. Đại sứ Helga Margarete Barth bày tỏ kỳ vọng tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai bên trên tất cả các lĩnh vực tiềm năng. 

"Một trong các lĩnh vực mà chúng tôi rất muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam là an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo. Ở Việt Nam, có rất nhiều các doanh nghiệp hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực này. Các bạn cũng rất quan tâm đến hợp tác với phía Đức và mở văn phòng tại Đức. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, như lĩnh vực gìn giữ hoà bình. Bên cạnh đó, về đào tạo nghề, chúng tôi rất quan tâm đến việc thu hút người trẻ Việt Nam sang học đại học và học nghề tại Đức." 

Mặc dù chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, nhưng trên thực tế, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã hình thành và tồn tại từ rất lâu trước đó. Với nền tảng vững chắc, sự thấu hiểu và sẻ chia, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, cả song phương và đa phương./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận