Trong nhiều năm liền, đa phần người trẻ tuổi tại Trung Quốc đều tin rằng, tấm bằng cử nhân đã không còn là tấm vé đảm bảo cơ hội việc làm. Nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã ngay lập tức tập trung ôn luyện để tiếp tục học cao học. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, thị trường việc làm bất ổn, các bạn trẻ cũng bắt đầu tạm dừng lại và cân nhắc liệu tham gia kỳ thi cao học có thực sự là điều kiện tiên quyết.
Được gọi là kaoyan, kỳ thi tuyển sinh sau đại học hàng năm từng được coi là cánh cửa dẫn đến những cơ hội thay đổi cuộc đời. Trong nhiều năm, hàng triệu sinh viên đã dựa vào kỳ thi này để tiếp tục học tập, lấy tấm bằng danh giá, và cuối cùng là đảm bảo được công việc tốt hơn sau khi hoàn thành chương trình học. Nhưng sau một thời gian dài số lượng tuyển sinh tăng đều mỗi năm, số thí sinh tham gia kỳ thi kaoyan đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp. Dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy, năm nay, chỉ có khoảng 3,8 triệu người đăng ký thi, giảm so với mức 4,3 triệu và 4,7 triệu của các năm 2024 và 2023. Bạn Christina, một ứng viên thi cao học năm nay, chia sẻ:
"Thật ra, sau khi hoàn thành cao học, nhiều người lại phát hiện ra rằng, các vị trí cần tuyển người về điều kiện thậm chí còn không bằng so với khi họ mới tốt nghiệp đại học. Điều này có thể là do kinh tế phát triển chậm lại sau đại dịch. Các doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân viên vì áp lực doanh thu, trong khi yêu cầu công việc lại cao hơn rất nhiều. Vậy thay vì tiếp tục dành 3 năm học cao học, tốt hết là hãy tìm một công việc sau khi tốt nghiệp đại học. Còn với tôi, năm nay tôi thi chỉ đơn giản là vì tôi thích đi theo con đường nghiên cứu mà thôi."
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, khoảng hơn 12 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp trong năm nay, nhưng cơ hội việc làm lại không nhiều như vậy. Do đó, dù có bằng cao học, các bạn cũng chưa chắc được làm việc tại các vị trí mình mong muốn. Một số người phải làm công việc tạm thời, thậm chí không yêu cầu bằng đại học. Ông Ding Changfa, Giáo sư kinh tế, đại học Hạ Môn, cho biết:
Theo Meituan (mây-tuan), một trong những nền tảng giao hàng lớn nhất Trung Quốc, trong số 7 triệu nhân viên của họ, có tới hơn 70 nghìn người là các sinh viên cao học, bao gồm cả sinh viên y khoa. Điều này cho thấy, một số ngành học thì cơ hội cũng không khác gì lắm giữa cao học và cử nhân."

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, việc học cao học dù không còn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo công việc tốt, nhưng vẫn còn giá trị nhất định trên thị trường việc làm. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tồn tại những công ty chỉ chú trọng vào tấm bằng và ngôi trường nơi ứng viên đã học để xét tuyển dụng, và ít cân nhắc tới kỹ năng và năng lực thực tế của ứng viên đó. Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, cho rằng:
"Một số công ty yêu cầu ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn, khiến các sinh viên không muốn học cao học cũng buộc phải nghĩ lại. Có những người thậm chí còn thi lại đến 2-3 lần. Hiện có 3,8 triệu người đăng ký thi nhưng chỉ có hơn 1 triệu được nhập học. Rõ ràng là tỉ lệ chọi vẫn rất cao. Như vậy, dù số người đăng ký đi có giảm trong 1-2 năm nay, nhưng độ nóng của kỳ thi này vẫn không hề giảm bớt."
Dù lựa chọn tiếp tục học cao học, hay đi làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học, ngoài điểm số, điều quan trọng đối với người trẻ tuổi vẫn là cải thiện các kỹ năng công việc và giao tiếp xã hội./.
Bình luận