Năm 1948, Liên hợp quốc chia vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập của người Do Thái và người Arab (Nhà nước Palestine), đưa Jerusalem thành một thành phố quốc tế. Người Palestine không chấp nhận nghị quyết này của Liên hợp quốc. Ngày 14/5/ 1948 nhà nước Israel được thành lập. Người Palestine phản đối và chiến tranh nổ ra chỉ một ngày sau đó. Khoảng 750.000 người Palestine phải bỏ đi hoặc bị buộc phải rời nhà trong ngày 15/5/1948 mà họ gọi là “Ngày thảm họa” (al-Nakba) trong lịch sử dân tộc Palestine.
Với người Palestine, Nakba không chỉ là một sự kiện lịch sử mà là một vết thương chưa bao giờ lành. Hiện đã có khoảng 5,9 triệu người tị nạn Palestine trên khắp thế giới, hầu hết là hậu duệ của những người phải rời bỏ nhà cửa khi Israel được thành lập vào năm 1948. Nhiều người Palestine vẫn sống trong các trại tị nạn, mang theo chìa khóa nhà cũ của họ như một biểu tượng của quyền trở về. Theo Liên hợp quốc, khoảng 90% cư dân Palestine ở Gaza đã bị mất nhà cửa từ cuộc chiến xung đột ngày 7-10-2023, và nhiều người đã phải di dời nhiều lần, thậm chí hơn 10 lần. Khi Tổng thống Trump nói về việc sở hữu hoàn toàn Gaza, điều này có thể được hiểu là một cách phủ nhận quyền trở về của người dân Gaza, giống như cách hàng trăm nghìn người Palestine năm 1948 không bao giờ được phép quay lại quê hương. Người Palestine lo sợ rằng đây có thể là một Nakba thứ hai, với quy mô tàn khốc không kém gì lần đầu tiên.
Vậy luật pháp quốc tế nói gì về ý tưởng này? Giới phân tích nhận định, ý tưởng cưỡng ép người Palestine ra khỏi Dải Gaza là vi phạm luật pháp quốc tế. Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk nêu rõ: “Quyền tự quyết là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và phải được tất cả các quốc gia bảo vệ... Bất kỳ hành vi cưỡng bức chuyển giao hoặc trục xuất người dân khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng đều bị nghiêm cấm”. Điều 49 của Công ước Geneva, cũng có quy định cấm một cường quốc chiếm đóng ép buộc di dời hoặc trục xuất dân cư khỏi lãnh thổ. Do đó, để hành động này có tính pháp lý, ông Trump sẽ cần sự đồng ý của chính quyền Palestine và người dân Palestine để kiểm soát Gaza. Ông Peter Layton, nghiên cứu viên tại Đại học Griffith, cho rằng ông Trump khó có thể thuyết phục khoảng 2 triệu người Palestine rời khỏi Gaza một cách hòa bình và đến nơi khác. Điều này, chắc chắn sẽ vấp phải kháng cự vũ trang dai dẳng. Hơn nữa, việc tái thiết Gaza sẽ cần một khoản chi phí rất lớn, điều mà ông Trump nói rằng sẽ do các nước trong khu vực gánh vác có vẻ cũng bất khả thi, trừ khi đây tiếp tục là một cuộc mặc cả của Mỹ và các nước.
Cho đến nay, đa số các nước Arrab và hồi giáo trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế đều cho rằng bất kỳ nền hòa bình bền vững nào cho Gaza cũng cần được cân nhắc cẩn trọng trong bối cảnh lịch sử, văn hóa lâu đời của người Palestine; đồng thời cần hướng tới giải pháp hai nhà nước, cũng như việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, với Gaza là một phần không thể thiếu.
Bình luận