Nhìn lại năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều biến động khó đoán định như: diễn biến mới, yếu tố bất lợi từ tình hình thế giới, khu vực; Thiên tai, hạn hán liên tục xảy ra với mức độ mạnh, chưa từng thấy trong hàng chục năm trở lại đây… đã khiến cho kinh tế nước ta ảnh hưởng không nhỏ…nMặc dù vậy, trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế… nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong năm qua.
![](/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-01/img_7085_20250124223907.jpg)
Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,09%, tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tổng thu ngân sách nhà nước vượt trên 19% dự toán, góp phần bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; thu hút FDI đạt gần 40 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới... Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá: "Năm 2024 là năm thành công, mặc dù vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã vượt qua và đạt được kết quả tốt toàn diện trên tất cả các lĩnh vực thể hiện qua rất nhiều các chỉ số. Cụ thể như đồng chí Thủ tướng đã nêu đó là đạt và vượt tất cả 15/15 chỉ tiêu do Quốc hội quyết nghị. Đấy cũng là để minh chứng cho thành quả tích cực của năm 2024 chúng ta đã đạt được".
![](/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-01/img_9603_20250124223907.jpg)
Năm 2025 này là năm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước. Năm nay, cũng là năm được xác định đóng vai trò tăng tốc, bứt phá, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và duy trì bền vững trong 5-10 năm tiếp theo. Chính phủ hiện đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số.
![](/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-01/img_0050_20250124223907.jpg)
Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, yêu cầu trước tiên, trên hết là phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Cùng với đó, cần có các giải pháp đột phá và cụ thể để tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đặc biệt là thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân- để đầu tư tư nhân kết nối được với đầu tư công và đầu tư FDI, qua đó tạo ra sự cộng hưởng trong đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công; cần thúc đẩy xuất khẩu phải gắn liền với kiểm soát nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ đóng góp vào GDP; nâng cao được sức mua, kích thích thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho tăng trưởng. Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: "Cần có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ nhanh và triệt để những điểm nghẽn đang tồn tại, đặc biệt là những điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, điểm nghẽn về thể chế đang được coi là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhằm làm mới, huy động và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực truyền thống như nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nhất là nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên và nguồn tài lực. Cần có các giải pháp đột phá về thể chế và chính sách để kiến tạo phát triển, nhất là để phát huy được ở mức cao nhất các nguồn lực mới cho tăng trưởng như nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nguồn lực thương hiệu của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.../.
Thúy Hằng/VOV1
Bình luận