Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đến nay dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Làm rõ lý do bỏ quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng: "Chúng ta đang phải tiếp tục sắp xếp, cải cách tiền lương theo vị trí việc làm. Nếu như quy định một nội dung như vậy ở đây có thể sẽ tạo nên sự không đồng bộ, bất cập khi nghiên cứu tổng thể hệ thống cải cách tiền lương theo vị trí việc làm".
![](/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/pho_chu_tich_quoc_hoi_nguyen_thi_thanh_20250207105304.jpg)
Dự thảo Luật Nhà giáo giữ nguyên quy định "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp". Ủy ban TVQH cho rằng, việc cải thiện chính sách tiền lương cho công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán đồng bộ trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm.
Ủy ban TVQH đề nghị đảm bảo các quyền của nhà giáo. Đồng thời quy định nhà giáo thực hiện các nghĩa vụ và đạo đức. Liên quan đến hành vi cấm "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức" và "ép buộc người học nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật", Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị quy định cụ thể hơn đối với quy định này: "Hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức thì đúng rồi, nhưng nếu người ta tự nguyện thì cũng phải tự nguyện không thu tiền. Đây là ép buộc người học nộp các khoản tiền học hoặc hiện vật ngoài quy định. Nếu học thêm mà dạy học sinh chính khóa của mình là có những điều rất là tốt và giáo viên thì nắm được chất lượng học của học sinh và có thể bồi dưỡng cho học sinh đó; làm sao cho học sinh tiến bộ đồng đều cùng với các bạn. Nhưng mà còn nếu trong trường hợp học sinh muốn học hơn nữa thì có thể đăng ký các trung tâm và các thầy cô giáo cũng có thể ra đăng ký để dạy học rồi đó có thể thực hiện các nghĩa vụ về tài chính. Đóng thuế thu nhập cá nhân và người học cũng hết sức lựa chọn một cách bình đẳng ở các trung tâm. Đề nghị các đồng chí là hết sức quan tâm thêm cái đó".
![](/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/chu_nhiem_uy_ban_van_hoa_giao_duc_nguyen_dac_vinh_trinh_bay_bao_cao_giai_trinh_tiep_thu_chinh_ly_du_thao_luat_nha_giao_20250207105304.jpg)
Các ý kiến tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục. Đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng: "Thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tuyển dụng. Còn khi nhà giáo được bổ nhiệm chức năng quản lý thì lại khác. Còn tuyển dụng tôi nghĩ cơ sở người ta mới biết được họ thiếu ai, thiếu cái gì. Că cứ vào tiêu chuẩn đã ban hành mà họ tuyển dụng là quyền của họ".
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: "Tại 63 tỉnh thành hơn 50.000 cơ sở giáo dục quy mô rất khác nhau. Trường trung học khu vực Hà Nội với một trường trung học ở khu vực miền núi, vùng khó rất khác nhau. Bởi vậy, nếu giao cho cơ sở giáo dục tuyển dụng. Ví dụ cấp sở tuyển dụng họ có đầy đủ lực lượng để ra đề, để chấm thi, để thanh tra, kiểm tra, tuyển dụng tuyển dụng có địa chỉ cho các trường. Đối với những cơ sở giáo dục mà có đủ sức có thể gánh được thì chúng ta nên mạnh dạn phân cấp và giao cho họ. Nhưng những khu vực khác thì cũng nên linh hoạt hơn trong việc tổ chức này".
![](/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/dai_bieu_du_phien_hop_20250207105304.jpg)
Ủy ban TVQH cũng cho rằng, việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm (trước 05 năm) so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non. Bên cạnh đó, đối tượng nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao, nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc là cần thiết và hợp lý nhằm tận dụng, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao; khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà giáo trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù mà xu hướng phát triển đất nước đang cần.
Cũng trong sáng nay, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Ủy ban TVQH đề nghị quy định cụ thể về vai trò, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý đối với hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Quy định bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của người mua và người bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt. Đề nghị cần có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Đồng thời đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về nội dung đăng ký hóa chất mới./.
Lại Hoa/VOV1
Bình luận