Tại vùng vịnh Biscay thuộc Pháp, một trong những ngư trường nhộn nhịp nhất châu Âu, mỗi năm có tới hàng nghìn con cá heo chết vì mắc cạn hoặc bị vướng vào lưới đánh cá. Tuy nhiên, theo đài quan sát Pelagis của Pháp, con số thực tế có thể còn cao hơn, lên tới 4500-8500 con mỗi năm. Tình trạng này không chỉ làm suy yếu hệ sinh thái đại dương, mà còn ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt và sinh kế của các ngư dân tại đây. Anh Matthieu Claquin, một ngư dân tại vịnh Biscay, cho biết, mỗi con cá heo vướng vào lưới không chỉ gây ảnh hưởng tới thu hoạch, mà còn gây ra nhiều rắc rối như làm hỏng lưới, hay mất thời gian gỡ chúng khỏi lưới, hoặc phải làm các báo cáo cho chính quyền địa phương.
"Từ khoảng 3-4 năm trước, cá heo bắt đầu trở thành vấn đề đối với các ngư dân. Nhiều con bị vướng vào lưới đánh cá. Với chúng tôi thì mỗi năm gặp phải khoảng 10 con. Nghe thì không nhiều nhưng cũng đủ làm ảnh hưởng tới công việc của chúng tôi, và tất cả đều không vui vẻ gì với điều này."
Trong bối cảnh đó, nhiều cơ quan nghiên cứu tại Pháp, với nguồn tài trợ từ Liên minh châu Âu, đang đưa ra các giải pháp sử dụng công nghệ cao. Có thể kể đến dự án Giải cứu cá heo với phương pháp tích hợp tín hiệu âm thanh vào lưới đánh cá. Thiết bị này phát ra tín hiệu mô phỏng các mẫu tiếng vang mà cá heo sử dụng để định hướng xung quanh. Ông Bastien Merigot, người điều phối dự án Giải cứu cá heo, giải thích:
"Cá heo sử dụng phản xạ sóng âm để định hướng và nhận biết các tình huống. Chúng phát ra tín hiệu và lắng nghe các âm thanh vang vọng lại, từ đó chúng hình dụng được môi trường xung quanh. Lưới đánh cá của chúng tôi sẽ tạo ra âm thanh tương tự. Âm thanh này mô phỏng hình ảnh cá heo bị mắc vào lưới để cảnh báo nguy hiểm, giúp xua đuổi chúng xa khỏi khu vực đánh bắt."
Trên toàn cầu, ước tính 40% tổng số cá đánh bắt được là các loài sinh vật biển bị đánh bắt ngoài ý muốn. Ngoài cá heo, các loài sinh vật này có thể có cá con, rùa, chim biển, và thậm chí cả các loài cá quý hiếm trong danh sách được bảo vệ. Thông thường, những loài vật này sẽ bị ném trở lại biển. Trong đó, nhiều con chết lại tạo ra lượng lớn chất thải và tác hại sinh thái. Do đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các phương pháp đánh bắt có chọn lọc hơn, dự án Marine Beacon do viện IFREMER của Pháp triển khai đang phát triển một loại lưới kéo tích hợp AI. Loại lưới này sử dụng camera dưới nước và thuật toán học máy để xác định và phân loại cá đánh bắt được theo thời gian thực. Hệ thống có thể phân biệt và giữ lại các loài mục tiêu, đồng thời kích hoạt một tuyến thoát tự động cho những sinh vật biển không phải mục tiêu đánh bắt. Ông Robin Faillettaz, nhà sinh vật học đại dương tại Viện Ifremer, cho biết:
"Ý tưởng của chúng tôi là tăng tính chủ động trong việc đánh bắt cho các ngư dân. Họ có thể tự lọc ra các loại cá không mong muốn, hoặc sử dụng AI để hỗ trợ quá trình này, ngay khi lưới đánh bắt vẫn còn dưới biển. Đây mới chỉ là cách tiếp cận từ khía cạnh của ngư dân thôi. Ngoài ra còn có vấn đề như quản lý, cách tiêu thụ mà trí tuệ nhân tạo cũng có thể hỗ trợ được, từ đó hướng tới một tương lai bền vững hơn cho ngành đánh bắt cá."
Hiện thách thức tiếp theo của các công nghệ mới này là điều chỉnh để sử dụng trên các tàu thương mại lớn, giảm yêu cầu về duy trì, bảo dưỡng, cũng như tăng tính thuận tiện để ngư dân dễ dàng áp dụng trong thói quen đánh bắt hàng ngày của mình./.
Bình luận