Thứ hai, 18:09, 03/02/2025
Công nghiệp văn hoá – lan toả giá trị Việt
VOV1 - Năm Ất Tỵ 2025 có ý nghĩa rất đặc biệt, là năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, với mục tiêu rất cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa phấn đấu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.

 

      Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Từ chỗ được xem như lĩnh vực phi lợi nhuận, văn hóa giờ đây được nhìn nhận như một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế. Những ngành như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, và du lịch văn hóa không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống, còn tạo ra giá trị kinh tế lớn. Những concert hoành tráng là minh chứng cho tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam.

   Tổng cộng hơn 200 ngàn khán giả ở cả 2 miền Nam – Bắc đã tham dự chuỗi 6 concert “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Theo công bố của Google, 2 concert này dẫn đầu xu hướng tìm kiếm ở lĩnh vực giải trí năm 2024. Những đêm nhạc được đánh giá có qui mô hoành tráng, với công nghệ tân tiến nhất từ trước đến nay ở nước ta, hoàn toàn do người Việt Nam tổ chức sản xuất, đã và đang tạo làn sóng hâm mộ chưa từng có.

   

 

    Trong ngành công nghiệp điện ảnh, chúng ta chứng kiến những dấu ấn mới với sự thành công của các đạo diễn như Trấn Thành, Lý Hải, với các bộ phim có tổng doanh thu vượt mốc 1.000 tỉ đồng. Với cú xô đổ kỷ lục của “Mai”, Trấn Thành đã trở thành đạo diễn “nghìn tỷ” đầu tiên của Việt Nam. Tiếp đó, sau 7 phần, tổng doanh thu của thương hiệu “Lật mặt” đã đưa Lý Hải chính thức trở thành đạo diễn “nghìn tỷ” tiếp theo của điện ảnh Việt.

     

   Đặc biệt, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” đã tạo dấu ấn kỷ lục với hơn 110 hoạt động, hiện thực hóa sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Lễ hội thu hút gần 30 vạn du khách, lan tỏa tinh thần sáng tạo không giới hạn.

  

     Ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong năm 2024, tuy nhiên, để duy trì và phát triển, cần tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực biểu diễn, những ưu đãi về thuế, nguồn vốn hoặc việc xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật… để tạo động lực quan trọng giúp các nhà sản xuất dám nghĩ lớn và đầu tư dài hạn.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận