Thứ tư, 17:28, 29/01/2025
Năm nay, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu lao động
VOV1 - Năm 2025, lĩnh vực lao động việc làm tiếp tục đặt mục tiêu ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.

Năm 2025, ngành lao động không chỉ đặt mục tiêu tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… mà còn phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, nhất là một số thị trường châu Âu, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.

Ông Phạm Viết Hương, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết: "Liên quan đến thị trường mới, ngoài các thị trường truyền thống Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) Hàn Quốc thì chúng ta cũng thúc đẩy các thị trường mới. Trong các cuộc gặp mặt hay các cuộc đàm phán thì lãnh đạo cấp cao củng chúng ta cũng rất quan tâm đến vấn đề hợp tác lao động. Bộ LĐTBXH cũng thúc đẩy đàm phán ký các thỏa thuận quốc tế, hợp tác lao động với các nước. Trong năm 2024 và những năm gần đây, ví dụ chúng ta đã ký Thỏa thuận về hợp tác lao động với Cộng hòa Liên bang Đức. Tháng 1/2025 ký Thỏa thuận hợp tác lao động với Phần Lan và đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định hợp tác lao động với Hy Lạp hay Ban Lan thì chúng ta cũng đang dự kiến ký. Hay một số nước châu Âu khác, chúng ta cũng đang thúc đẩy đàm phán, tạo khung pháp lý và đồng thời cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đưa lao động đi ra ngoài theo hợp đồng".

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành lao động sẽ tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo tất cả người lao động đều được giáo dục định hướng theo quy định về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động. Công tác tuyển chọn, đào tạo và định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được nhiều doanh nghiệp chủ động triển khai. Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) cho biết: "Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì đa số người lao động những năm gần đây đều có tay nghề nhất định. Tuy nhiên, người lao động yếu nhất đó chính là trình độ ngoại ngữ. Chính vì vậy mà bao giờ công ty cũng đặt ra yêu cầu là phải đào tạo ngoại ngữ cho lao động trước khi thì làm việc tại nước ngoài. Và người lao động sẽ được đào tạo từ 3 đến 6 tháng tại công ty. Việc có nền tảng ngoại ngữ giúp cho người lao động hòa nhập được công việc cũng như là văn hóa, phong tục tại nước sở tại, cũng hạn chế những phát sinh do bất đồng về ngôn ngữ và không hiểu những phong tục tập quán của nước sở tại".

Năm 2024, theo số liệu thống kê từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 158.500 lao động đạt 126,9% kế hoạch năm (năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đưa từ 125 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) và bằng 99,13% so với năm 2023. Trong đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất, với hơn 71.500 người. Đài Loan (Trung Quốc), hơn 62.200 lao động. Hàn Quốc hơn 13.600 lao động. Tiếp đến là các thị trường Hungary, Singapore, Rumani, Ba Lan, Algeria, Ả-rập Xê-út, Liên bang Nga và một số thị trường khác.

Như vậy, trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2021 đến 2024, đã có gần 500.000 người Việt đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hiện có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD/năm./.

Hà Nam/VOV1

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận