Từ làng nghề nón ngựa Phú Gia đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VOV1 - Làng nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có lịch sử hơn 300 năm. Tại đây, các nghệ nhân làm ra những chiếc nón độc đáo, được nhiều người ưa thích. Năm 2024, nghề chằm nón ngựa Phú Gia được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng nón ngựa Phú Gia, thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 35km. 

Cuối Đông, tranh thủ những ngày nắng, người làm nón trong thôn Phú Gia đưa lá kè ra phơi. Lá kè là một trong những nguyên liệu chính để làm ra chiếc nón ngựa Phú Gia. Loại lá này chỉ có ở vùng núi huyện Vân Canh, cách làng làm nón ngựa Phú Gia hàng chục cây số. Để có được lá kè làm nón, người dân thôn Phú Gia phải đặt mua hoặc vào trong rừng mới kiếm được loại lá này. 

Bà Hoàng Thị Năm năm nay 60 tuổi đã có hơn 40 năm làm nón ngựa Phú Gia. Bà Năm nói rằng, lá kè làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô, vừa có được độ mềm dẻo cần thiết: “Cái lá kè khi mình mua về tước sóng rồi mới treo lên phơi khô. Khi lá kè khô rồi tiếp tục đem vào sấy. Sấy xong rồi mới kéo lá. Kéo lá xong mình rọc lá và lợp lên thành một chiếc nón. Muốn đẹp, tinh xảo thì mình phải mua lá về phơi, lá phải trắng, kéo lá nó trơn vừa bóng. Chỉ có lá kè mới làm được nón ngựa Phú Gia”.

Theo người làm nón ở làng nón ngựa Phú Gia, nón có tên nón ngựa vì chiếc nón có sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp cho người đội khi cưỡi ngựa. Ngày xưa, những nghệ nhân nơi đây làm chiếc nón này chủ yếu phục vụ cho vua, quân lính khi ngồi trên lưng ngựa. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa Phú Gia đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn. 

Các họa tiết thêu trên nón ngựa cũng khác nhau, tương ứng với chức vụ, phẩm hàm của từng người đội. Sau này, hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa đi trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở các làng quê Bình Định trước những năm 1945. 

Mỗi ngày, tại cơ sở làm nón ngựa Đỗ Văn Lan ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát có 10 người cùng làm nón. Tết này, ông Đỗ Văn Lan đã bước qua tuổi 76 nhưng ông vẫn miệt mài với nghề làm nón ngựa Phú Gia. Gia đình ông Lan có 5 đời làm nghề nón ngựa, riêng ông đã có 61 năm sướng khổ cùng nghề này. 

Ông Đỗ Văn Lan cho biết, nón ngựa Phú Gia có kết cấu rất đặc biệt và bền chắc. Nón được kết thành 10 lớp, nguyên liệu làm nón là lá kè mọc tự nhiên trong rừng núi Bình Định. Nón ngựa có 2 loại, một loại dành cho nam và loại dành cho nữ. Chiếc nón của nữ có đường kính 42cm, chiều cao 16cm; nón của nam có đường kính 46cm, chiều cao 20cm. Người làm nón phải thật tỉ mỉ cả 10 công đoạn gồm: Tạo sườn mê; ghim sườn; thắt nansườn; làm vành; thêu hoa văn; rọc lá kè; ghim sấy; lợp trên chóp đầu; lợp chân nón; chằm nón. Ông Đỗ Văn Lan cho biết thêm, để hoàn thành một chiếc nón ngựa phải mất ít nhất 3 ngày, nhiều thì cũng phải 7 tới 10 ngày, có những chiếc nón ngựa cao cấp phải mất đến nửa tháng mới xong: “Nghề chằm nón ngựa là nghề rất đặc trưng. Người thợ chằm làm sao thấy chiếc nón một mặt phẳng, thẳng, không có một cạnh nào vểnh lên. Một thợ khéo không bao giờ để lọt nước ở bên trong được. Người thợ làm ra được một chiếc nón rất tinh xảo thì người thợ đó phải tâm huyết, yêu nghề, phải khéo tay. Người thợ mà cẩu thả thì tạo ra chiếc nón không bền, không đẹp được. Chiếc nón ngựa đối với người xưa, người nay giống nhau. Nhưng mà hôm nay khác được cái tinh xảo hơn, làm nhiều mẫu mã và nhiều hoa văn”.

Hiện nay, làng nón ngựa Phú Gia chủ yếu làm 2 loại nón với nhiều mức giá khác nhau. Chiếc nón ngựa bình thường chóp để trần, trên đỉnh đính một chùm chỉ ngũ sắc như bông hoa. Chiếc nón ngựa giá trị hơn thì trên đỉnh có gắn đồi mồi hoặc chụp đồng, chụp bạc được chạm trổ tinh xảo. Hoa văn trên nón ngựa đa số được người làm nón thêu lên là các hình ảnh mang đậm bản sắc văn hoá người Việt như: Long - Lân - Quy - Phụng, hoa sen, hoa mai, bầu rượu, đám mây... Mỗi chiếc nón ngựa nếu làm đủ các công đoạn sẽ có độ bền sử dụng 150 năm đến 200 năm. Hiện nhiều chiếc nón ngựa của 200 năm trước vẫn còn lưu giữ tại thôn Phú Gia. 

Bà Nguyễn Thị Tâm, 74 tuổi, một người “thâm niên” làm nón ngựa ở thôn Phú Gia cho biết, để làng nghề được duy trì và phát triển như hiện nay, mỗi gia đình làm nón phải truyền nghề cho các thế hệ trong gia đình. Bà Tâm đã truyền nghề lại cho 4 người con gái của mình. Ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, làng nghề Phú Gia ngày nay còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân, một số nguyên liệu làm nón cũng được thay đổi cho phù hợp với xu hướng thị trường: “Từ công đoạn 1 đến công đoạn 10 làm được hết, từ thời cha mẹ mình làm truyền lên đến bây giờ cũng làm được. Bây giờ nón ngựa cỡ lớn làm được chứ trước đây làm cỡ 46cm chứ không có kích cỡ lên nữa và không có hoạt bát. Bây giờ như những chiếc nón to ở khách sạn 5 sao dưới Quy Nhơn hoặc những chỗ bán cơm tấm dưới Quy Nhơn họ đặt to thì mình cũng làm. Vừa rồi họ đặt 50 cái từ cái lớn đến cái nhỏ mà cô cứ để lưu niệm lại nhiều cái cỡ trung mà khách đến mua hết”.

Bây giờ, làng nghề nón ngựa Phú Gia có khoảng 110 hộ sản xuất với hơn 300 lao động, mỗi năm làm ra hơn 3.300 sản phẩm. Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nón ngựa Phú Gia” cho các sản phẩm nón được sản xuất tại thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát vào năm 2016. 

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát đã được kiểm kê, thiết lập hồ sơ khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh. Và sau đó đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 09/4/2024. Việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận, ghi danh nghề chằm nón ngựa Phú gia, xã Cát Tường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần nâng cao giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho rằng, làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong những niềm tự hào của người dân Phù Cát. Nón ngựa Phú Gia là một sản phẩm chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời của người dân. Địa phương đang xây dựng làng nghề nón ngựa Phú Gia trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn không chỉ đối với du khách Việt mà còn thu hút cả những du khách nước ngoài:“Ngoài việc lập đề án để bảo tồn và phát triển làng nghề nón ngựa Phú Gia, chúng tôi cũng phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch để đưa làng nghề này vào một trong những điểm đến đối với các tour tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh. Làng nghề này cho đến bây giờ du khách quốc tế họ cũng rất quan tâm. Đối với khách du lịch quốc tế, nhất là khách châu Âu, châu Á cũng có, từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Dù sao thì cái phong tục, tập quán, văn hóa cũng mang tính tương đồng. Bà con trong làng nghề họ cũng rất là phấn khởi vì tiếp tục duy trì được truyền thống của cha ông vừa mang lại thu nhập”.

Nghề Chằm nón ngựa Phú Gia là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định, Nghệ thuật Bài chòi Bình Định, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Từ đó đã góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong định hướng phát triểnlàng nghề nón ngựa Phú Gia, tỉnh Bình Định yêu cầu huyện Phù Cát quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết làng nghề truyền thống, trong đó lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để hình thành các dịch vụ phục vụ du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang khẳng định, tỉnh Bình Định tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghề chằm nón ngựa Phú Gia: “Đánh thức tinh hoa văn hóa của làng nghề. Làm sống dậy đầy đủ vẻ đẹp và giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đẩy mạnh kết nối với công ty lữ hành, các đơn vị kinh doanh, dịch vụ du lịch để xây dựng tour, tuyến, phục vụ cho nhu cầu tham quan của du khách trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa du lịch làng nghề nón ngựa Phú Gia thành sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Năm mới 2025, người dân ở làng nón ngựa Phú Gia kỳ vọng làng nghề phát triển hơn nữa: “Năm mới, tôi mong muốn người dân làm cho làng nghề phát triển nhiều hơn. Bà con giữ được nét đẹp văn hóa của chiếc nón và gìn giữ được di sản lâu đời để lưu truyền cho con cháu” (Bà Nguyễn Thị Tuyết, 65 tuổi, thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phú Cát). 

“Để làng nghề ngày càng phát triển thì tôi mong sản phẩm nón ngựa Phú Gia được nổi tiếng không chỉ trong nước mà ra cả thế giới. Chúng tôi thì mong các cấp chính quyền tạo điều kiện hơn cho bà con chúng tôi mở rộng thêm sản phẩm” (Bà Huỳnh Thị Hồng, 60 tuổi, thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phú Cát).

“Bà con ở làng nghề rất phấn khởi. Năm mới sẽ phát huy, sáng tác ra nhiều mẫu nón ngựa mới và dạy truyền nghề những con em còn trẻ tuổi để cho giữ lại nghề truyền thống. Chúng tôi cũng mong rằng, đầu năm 2025 nhiều tỉnh thành trong nước và khách quốc tế đến đây để thăm, trải nghiệm làng nghề và mua sắm nón ngựa mới lạ nhất” (Ông Đỗ Văn Lan, 75 tuổi, thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phú Cát).

 

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia trở thành Di sản phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của người dân Bình Định. Chiếc nón ngựa ngày nay đã có những thay đổi đa dạng mẫu mã nhưng vẫn giữ được nét văn hóa và truyền thống của địa phương. Tỉnh Bình Định đã và đang nâng niu gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề hơn 300 tuổi này cùng với chiếc nón ngựa Phú Gia tỏa sáng ở mọi miền đất nước. 

Tết đến xuân về, làng nghề nón ngựa Phú Gia là nơi trở về của bao người con xa quê, họ quây quần bên nhau nhắc nhớ về truyền thống của làng và ra sức giữ nghề chằm nón ngựa Phú Gia như một cách gìn giữ di sản./.

 

Thanh Thắng/VOV Miền Trung

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận