Chủ nhật, 20:51, 02/02/2025
Tết rừng Nà Hẩu: Bản sắc vẹn nguyên trong sắc xuân
VOV1 - Mỗi dịp xuân về, núi rừng Nà Hẩu bừng sức sống, cũng là lúc bà con dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ Cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng Nà Hẩu”. Lễ này tổ chức vừa để tưởng nhớ cội nguồn, tạ ơn thần rừng, vừa nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hàng năm, bà con dân tộc Mông ở Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái lại mang theo các lễ vật như lợn đen, gà trống trắng, gà mái lông đen, rượu, bánh… về khu "rừng cấm, rừng thiêng” tổ chức "Tết rừng”, với các nghi thức chính như: Cúng rừng, hội thề giữ rừng, ăn Tết rừng; hoạt động thi đấu và biểu diễn các trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ dân tộc Mông… Ông Giàng A Quang, Bí thư Chi bộ thôn Trung tâm, xã Nà Hẩu cho biết: Tết rừng đã tạo cho bà con nhân dân có được sự đoàn kết trong công tác bảo vệ rừng, chủ động triển khai các biện pháp cấm chặt phá cây rừng, tự giác bảo vệ rừng. Việc bảo vệ tốt rừng cũng giúp bà con có thu nhập từ rừng, như là từ cây dược liệu, dựa rừng để sống. 

Nà Hẩu là xã nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Xã có diện tích tự nhiên hơn 5.600 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Rừng như mái nhà chung của hơn 500 hộ người Mông với trên 2.500 nhân khẩu. Trải qua hàng trăm năm sống gắn bó hoà thuận với rừng, đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng. Lễ cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng” là một trong số đó. 

Ông Sùng A Xà - một trong những người có uy tín ở thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu cho biết, rừng vừa chở che cho dân bản trước thiên tai bão lụt, vừa cho sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng... Chính vì vậy, rừng từ lâu đã trở thành chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Việc thực hành nghi lễ tín ngưỡng cúng rừng là để cầu mong các vị thần ban cho con người sức khỏe, mùa màng bội thu...: Theo tục lệ của người Mông, từ ngày xưa đã có tục cúng rừng. Hàng năm thầy cúng sẽ làm các phép bùa để giữ các khu rừng, bảo vệ nguồn nước. Nếu mà người nào cố tình vi phạm, phát phá rừng, chặt cây to sẽ bị ốm đau.

Từ sự tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng rừng, các quy ước, hương ước và cả những luật tục giữ rừng đã được các thế hệ người dân nơi đây đề ra và cùng nhau thực hiện. Anh Giàng A Pao, phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Nà Hẩu cho biết: Đối với Lễ hội “Cúng rừng” là một di sản mang tính biểu tượng bảo vệ rừng. Đoàn thanh niên xã tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giữ rừng và bảo vệ rừng, làm sao tiếp bước những truyền thống tốt đẹp do ông bà để lại, từ đó phát triển du lịch sinh thái để nâng cao kinh tế.

Từ tập quán giữ rừng đặc biệt của người dân; kết hợp với việc làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của ngành chức năng, nên rừng Nà Hẩu luôn xanh tốt, trở thành nơi trú ngụ, sinh sống của nhiều loại động vật quý hiếm như: sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, rùa đầu to, chim hồng hoàng. Đây cũng là nơi có nhiều loại gỗ quý như cây chò nâu, dổi, trám, de, lát hoa...

Ông Đoàn Giao Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Trong năm, Khu bảo tồn không xảy ra vụ việc nào khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, không xảy ra cháy rừng. Đặc biệt là đối với động vật hoang dã, kết hợp với nhiều giải pháp như tuyên truyền, nắm bắt thông tin, phối kết hợp với chính quyền địa phương, các cộng đồng giao khoán bảo vệ  để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ.

Ông Lý Tòn Cầu, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên cho biết, cả 3 thôn của xã đều nằm trong vùng lõi cua khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, vì vậy, “Tết rừng” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Trong Lễ cúng rừng, ngoài các thủ tục tạ ơn thần rừng, các đồng chí trưởng thôn thực hiện luôn công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời kiện toàn lại thành viên Ban Quản lý Bảo vệ rừng; tôn vinh, khen thưởng các hộ gia đình, cá nhân, thành viên có thành tích trong quá trình bảo vệ, giữ rừng. Song song với đó là phê bình những hộ gia đình, thành viên, cá nhân chưa thực sự nghiêm túc trông coi, giữ rừng; kiện toàn và trục xuất thành viên vi phạm ra khỏi Ban quản lý, bảo vệ rừng.

Với những giá trị và ý nghĩa quan trọng ấy, tháng 12/2024, Lễ cúng rừng, hay còn gọi “Tết rừng” của bà con dân tộc Mông Nà Hẩu đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Huyện đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Lễ cúng rừng của dân tộc Mông xã Nà Hẩu đến năm 2030. Cùng với đó, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá Lễ hội, đồng thời lồng ghép tổ chức Lễ hội gắn với các hoạt động truyên truyền về bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Huyện cũng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc Mông phát huy vai trò chủ thể trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình". 

Theo thông lệ, sau “Tết rừng”, các thôn bản sẽ cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần rừng, tức bà con sẽ không đi vào rừng, không đào củ, bẻ măng, không thả rông gia súc trong rừng… Lãnh đạo huyện Văn Yên cũng cho biết, "Tết rừng" không chỉ là nghi thức tâm linh bày tỏ lòng biết ơn với mẹ thiên nhiên, mà còn là dịp để đồng bào các dân tộc địa phương thắp sáng tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, gửi gắm những ước vọng về một cuộc sống hài hòa, bền vững với thiên nhiên mỗi dịp tết đến, xuân về./.

 

Thừa Xuân/VOV Tây Bắc

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận