Thời điểm này, tại khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang trí tiểu cảnh phục vụ tết nguyên đán Ất Tỵ đã hoàn tất. Theo ông Nguyễn Đức, quản lý khu du lịch, đơn vị chú trọng điểm nhấn là văn hóa và du lịch sinh thái, khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng đặc trưng văn hóa dân tộc Lào tại địa phương đã được tỉnh Đắk Lắk công nhận trong năm qua. “Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc sắc của vùng miền tại Buôn Đôn. Đặc biệt là năm nay chúng tôi xây dựng một ngôi nhà Lào mang tính chất văn hóa của người đồng bào dân tộc Lào, là nơi có thể là cầu may mắn, cột chỉ cổ tay cũng như là hái lộc đầu năm; xây dựng nhiều chương trình ca nhạc, cồng chiêng, vui chơi dưới nước cũng như là tour khám phá trải nghiệm thiên nhiên”.
Khai thác đặc trưng văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để tạo điểm nhấn thu hút du khách, các đơn vị làm du lịch ở Đắk Lắk chú trọng đến yếu tố trải nghiệm. Tại khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Thanh Hà, trong dịp tết nguyên đán Ất Tỵ sẽ có nhiều hoạt động giao lưu trò chơi dân gian, tham quan tìm hiểu về đời sống của loài voi, trải nghiệm nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên hay tham gia các chuyến khám phá, tận hưởng cảnh quan rừng tự nhiên quanh khu vực sông Sê Rê Pốk. Chị Nguyễn Lê Thanh Thảo, đại diện Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Thanh Hà cho biết: "Chúng tôi sử dụng chính những con người Tây Nguyên, các bạn nhân viên trong khu du lịch là người đồng bào tại chỗ, các bạn có thể là người Ê Đê, Mơ Nông, người Lào… thì các bạn dùng chính ngôn ngữ, chính sự hồn nhiên và chất phát của các bạn để truyền tải văn hóa".
Cùng với du lịch cộng đồng, du lịch canh nông cũng là hướng đi được các đơn vị quan tâm, khai thác. Tận dụng những thế mạnh về đất đai, khí hậu, sản vật và văn hóa dân tộc đặc thù, nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Công ty cổ phần Ban Mê Greenfarm, ở thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, chương trình du lịch canh nông sẽ được đơn vị khai thác mạnh trong dịp tết nguyên đán và cả lễ hội cà phê diễn ra sau đó 1 tháng.
“Chúng tôi khai thác vùng nguyên liệu liên kết của công ty để tạo thành những mô hình du lịch canh nông và triển khai các chương trình du lịch canh nông tại những Farm điểm du lịch 5ha tại Ea Tu và kích hoạt những gói du lịch để mở màn cho Lễ hội cà phê và kết nối du lịch của thành phố Buôn Ma Thuột trong năm 2025”.
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cùng với xây dựng sản phẩm mới, các khu, điểm du lịch trong tỉnh cũng chủ động làm mới sản phẩm hiện có. Đến nay, 275 đơn vị lưu trú, gần 30 khu, điểm du lịch trong toàn tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện để đón khách trong dịp tết nguyên đán Ất Tỵ. Nhiều đơn vị, khu điểm du lịch xác nhận có các đoàn khách từ các tỉnh đặt tour đến Đắk Lắk du xuân.
Sở đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị của các đơn vị, yêu cầu thực hiện đảm bảo các điều kiện theo quy định, niêm yết công khai giá các hoạt động, giá dịch vụ. Sở sẽ phối hợp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về hoạt động du lịch. “Kiểm tra công tác chuẩn bị tết cả trong tết và ngoài tết, kiểm tra công tác chuẩn bị của các đơn vị, kể cả việc tổ chức lễ hội của các huyện mà có các sự kiện lễ hội cho bà con vui xuân đón tết. Tổng hợp tất cả các sự kiện trong dịp ết này và kể cả trong năm 2025 để tuyên truyền, quảng bá”.
Theo dự báo của ngành du lịch, trong dịp tết nguyên đán năm nay, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú tại Đắk Lắk tăng khoảng 20% so với trước. Ngành du lịch Đắk Lắk đã lên kế hoạch chu đáo, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn, mang tính đặc trưng vùng miền để phục vụ người dân và du khách trong những ngày xuân.
H Xíu/VOV Tây Nguyên
Bình luận