Thứ ba, 08:34, 04/02/2025
EU sẽ đáp trả nếu bị Mỹ áp đặt thuế quan không công bằng và tùy tiện
VOV1 - Thông tin về việc Tổng thống Mỹ áp thuế với các đối tác và đồng minh, không loại trừ cả Liên minh châu Âu khiến các bên liên quan không khỏi lo ngại. Các chuyên gia cho rằng, việc áp đặt thuế quan của Mỹ không chỉ tác động đến kinh tế toàn cầu mà còn với cả nền kinh tế Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã khiến một số đối tác thân cận nhất của Mỹ bị sốc khi đe dọa sẽ thực hiện chính sách áp thuế  đối với Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại cuộc họp không chính thức của các lãnh đạo EU tại Bỉ, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas đã nêu bật sự phụ thuộc lẫn nhau giữa châu Âu và Mỹ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và chính trị. Châu Âu cần Mỹ và ngược lại, Mỹ cũng cần châu Âu. Do đó, việc Mỹ và châu Âu đối đầu không mang lại lợi ích cho đôi bên.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Usurla Von de Leyen cho biết, Liên minh châu Âu sẽ phản ứng kiên quyết nếu Mỹ áp đặt thuế quan không công bằng hoặc tùy tiện đối với hàng hóa của khối này: "Khi bị nhắm mục tiêu một cách không công bằng hoặc tùy tiện, Liên minh châu Âu sẽ phản ứng kiên quyết. Cuối tuần này, chúng ta đã chứng kiến mức thuế quan cao như thế nào được áp dụng đối với Canada và Mexico. Những mức thuế quan đó làm tăng chi phí kinh doanh, gây hại cho người lao động và người tiêu dùng, tạo ra sự gián đoạn kinh tế không cần thiết và thúc đẩy lạm phát. Chúng ta không thấy nhiều điều tốt đẹp từ điều này. Vì vậy, chúng ta ưu tiên các cuộc thảo luận có hiệu quả và tham gia sớm của các bên".

Từ Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu cần phải tự bảo vệ mình và tạo dựng sự tôn trọng từ các quốc gia khác, đặc biệt khi các lợi ích thương mại của châu lục bị đe dọa. Ông Macron nhấn mạnh, những tuyên bố gần đây của Mỹ đang thúc đẩy EU phải trở nên đoàn kết và mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với các vấn đề an ninh chung.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ sự tin tưởng về khả năng của EU khi đối diện với các chính sách thuế quan mà Mỹ có thể áp dụng. Ông khẳng định, EU đủ mạnh để ứng phó với chính sách áp thuế mới từ Mỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh rằng thay vì rơi vào vòng xoáy tranh chấp thương mại, mục tiêu lâu dài của EU và Mỹ nên là hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau và thực thi các giải pháp chung có lợi cho cả hai bên. "Thương mại là một chủ đề quan trọng, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, và đó là lý do tại sao điều quan trọng là mọi người ở đây đều đồng ý Liên minh châu Âu vốn dĩ là mạnh mẽ  và chúng ta có mọi cơ hội để đảm bảo rằng chúng ta có thể chăm lo cho lợi ích của chính mình và đó cũng là một thông điệp gửi đến Mỹ, đồng thời được kết nối với chúng ta thông qua một bàn tay dang rộng, cụ thể là chúng ta muốn hợp tác với nhau, và đó cũng là một vấn đề quan trọng."

Trong khi đó, bày tỏ lo ngại về tác động mà các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng tăng có thể gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và những nơi có nhóm dân số dễ bị tổn thương", tại cuộc họp báo hôm qua người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric đã nhấn mạnh:

"Rõ ràng là chúng tôi lo ngại về tác động của các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng tăng đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và đang phát triển và ở những nơi có dân số dễ bị tổn thương. Nền kinh tế toàn cầu đã ở trong bối cảnh tăng trưởng thấp. Trong khi các hạn chế thương mại mà chúng ta thấy đang gia tăng. Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết hoạt động thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục tuân theo các quy tắc đã được Tổ chức Thương mại Thế giới thống nhất trên toàn thế giới, điều này sẽ mang lại sự ổn định và chắc chắn cho nền kinh tế toàn cầu.".

Theo đánh giá của giới phân tích, hành động nhắm vào các đồng minh của Mỹ sẽ làm suy giảm thêm niềm tin vào cam kết của Mỹ sau khi ông Trump từng gây nghi ngờ về thiện chí bảo vệ châu Âu.  Bên cạnh đó, việc áp đặt thuế quan không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu mà còn gây tổn hại đến chính nền kinh tế Mỹ. Ông Sylvain Bersinger, Nhà kinh tế trưởng tạicông ty tư vấn Asteres Consulting cho rằng, điều này chẳng khác gì việc ông Trump đang tự bắn vào chân mình. "Tôi nghĩ rằng đây là tình huống chỉ tạo ra những kẻ thua cuộc, bao gồm cả Mỹ.  Đây là điều cần phải nhấn mạnh. Tôi nghĩ ông Trump đang tự bắn vào chân mình khi làm những gì ông ta đang làm. Ông ta đang mất uy tín vì đã từ bỏ các thỏa thuận thương mại mà chính ông đã ký trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông ấy sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ, sẽ làm cho đồng đô la tăng giá, nghĩa là sản phẩm của họ đắt hơn khi xuất khẩu, các quốc gia khác sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa, nghĩa là hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ bị phạt./.

Hồng Nhung/VOV1

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận