Thị trường BĐS Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất với nguồn cung tăng mạnh theo năm. Các dự án nhà ở mở bán mới, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư, đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. Thông tin này được Hội Môi giới BĐS Việt Nam công bố trong báo cáo đầu năm nay. Tuy vậy, sự phục hồi của thị trường vẫn có sự phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc, khu vực, loại hình sản phẩm và thậm chí giữa các doanh nghiệp cung ứng. Đối với phân khúc đầu tư trên thị trường trong năm 2025 này, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ BĐS Queen Land cho rằng: "Tôi cho rằng phân khúc nhà ở cao tầng sẽ được nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, là các shop-hous trong các khu đô thị - đây là các BĐS tạo dòng tiền cũng sẽ được lựa chọn nhiều hơn, nhất là các nhà đầu tư thứ cấp. Ngoài ra, thị trường cũng có nhiều sản phẩm BĐS công nghiệp và các nhà đầu tư cũng sẽ lựa chọn phân khúc này nhiều hơn".
Về giá bán các BĐS năm 2025 cũng sẽ theo xu hướng “điều chỉnh phù hợp hơn”. Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù nguồn cung nhà ở vẫn chưa đáp ứng đủ cả về số lượng lẫn chất lượng nhu cầu của người dân do giá “neo” ở mức cao. Nhưng khi vượt quá “ngưỡng chi trả” của người dân và các nhà đầu tư sẽ phải điều chỉnh để nâng thanh khoản. Điều này cũng phù hợp hơn với quy luật cung –cầu. Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực phân tích: "Tôi cho rằng, các giải pháp để điều chỉnh giá bán BĐS về mức hợp lý đòi hỏi sự đồng bộ. Quan trọng nhất là đối với các dự án đang gặp vướng mắc thì chúng ta nhanh chóng tìm ra cách tháo gỡ, từ đó tăng nguồn cung cho thị trường vì đây chính là giải pháp quan trọng nhất giảm giá bán. Từ đó, giảm chi phí cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế".
Trong thực tế, mức giá bán, nhất là phân khúc chung cư trên thị trường điều chỉnh về mức hợp lý hơn đang đặt ra bài toán khó cho thị trường trong dài hạn khi ảnh hưởng đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất và giá thành phát triển các dự án mới. Chi phí vốn tăng cao càng khiến mặt bằng giá BĐS khó giảm ngay. Nhưng về lâu về dài, cần sớm có “tiếng nói chung” giữa các doanh nghiệp chủ đầu tư, các tổ chức hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước nỗ lực triển khai áp dụng các cơ chế chính sách, nhất là các hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật mới về đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS. Quan trọng nhất là các thủ tục về đầu tư sớm được tháo gỡ để tăng nguồn cung cho thị trường. Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội nhận định, các chính sách sẽ có tác động tích cực và việc kỳ vọng sự tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn tới: Thị trường BĐS có thể nói sang năm 2025 là giai đoạn vàng của sự phát triển. Do vậy, cơ chế thí điểm cho quỹ đất để làm nhà ở là cơ sở để tạo nguồn cung cho thị trường. Cùng với đó là cơ chế tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án BĐS dở dang sẽ tạo nguồn cung lớn về nhà ở trong giai đoạn tới.
Bên cạnh các dự án đại đô thị của các chủ đầu tư lớn vẫn đang tạo ra nguồn hàng mạnh thúc đẩy sự phục hồi của thị trường BĐS, báo cáo thị trường của Hội Môi giới cũng nhận định, sự phát triển của thị trường năm 2025 sẽ được đóng góp nhiều hơn từ các dự án có quy mô nhỏ hơn, nhưng mức giá gần hơn với thu nhập và nhu cầu của người dân khu vực đô thị. Đây chính là phân khúc cải thiện thanh khoản và tạo dòng tiền cho chính các chủ đầu tư vì “bắt mạch” đúng nhu cầu ở thực của người dân và các nhà đầu tư thứ cấp và lựa chọn “trúng và đúng” phân khúc tiềm năng trong năm 2025./.
Hà Nho/VOV1
Bình luận