Các địa phương khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang chịu ảnh hưởng của mặn sớm nhất do nằm gần cửa biển. Ở khu vực này, dịp Tết cổ truyền, nông dân rất vui vì nhiều loại trái cây như dừa, thanh long giá rất cao, nước ngọt dồi dào. Bà Phan Ngọc Mai, nông dân ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo trồng gần 01ha dừa cho biết, gia đình năm nay đón Tết rất thịnh soạn do bán dừa giá cao: “ Từ 7-8 năm qua, nay mới có giá này đó. Vườn dừa của tôi xanh mượt, ngon lành. Tết này chuẩn bị đầy đủ bánh mứt, vui lắm vì có con đi học ở xa về nhà”.
Người dân Tiền Giang vốn rất chăm lo lao động sản xuất, dù hiện nay vui Xuân, đón Tết nhưng công việc đồng án vẫn không xao lãng, nhất là ứng phó với hạn mặn có nguy cơ tăng cao dịp Tết. Ông Võ Văn Nhẫn chủ một ha vườn dừa trồng xen cây ca cao tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo nói: “ Nếu mặn lên cao thì tôi bít đường nước, giữ nước ngọt lại, không cho nước ra mà cũng không cho nước vô. Khi nước mặn giảm mình tháo cho nước vô để tưới. Tôi có đặt hệ thống ống, ghim điện rồi thì kéo ống tưới. Lúc nào mình cũng theo dõi mặn, Tết thì vui vài bữa thôi, rồi lo tập trung chăm sóc vườn cây”.
Chủ động giúp nông dân phòng chống hạn mặn, bảo vệ hàng chục nghìn ha vườn cây, ruộng lúa vùng ngọt hóa Gò Công, những ngày cận Tết cổ truyền, công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tiền Giang đã tăng cường công tác trữ nước. Nhờ vậy mà lượng nước trong kênh Xuân Hòa được cấp bổ liên tục, tràn trề.
Mực nước vùng Gò Công của tỉnh Tiền Giang duy động 0,55 mét và đang tiếp tục cấp bổ trong điều kiện cho phép. Ông Đỗ Thành Sơn, Phó giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tiền Giang cho biết: “Hiện tại cống Xuân Hòa mấy ngày nay lấy nước vô ổn định, kể cả cống trên kênh Chợ Gạo. Theo dự báo dịp Tết này mặn sẽ lên nên cống Xuân Hòa giảm lấy nước lại. Sau đó, sẽ lấy nước nước đến rằm tháng giêng, trữ nước phòng ngừa tới Tết này mặn lên lấy nước lại, phục vụ cho mực nước ổn định".
Thật vậy, những ngày này cánh đồng lúa ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Thành phố Gò Công xanh rờn, lượng nước ngọt đủ đầy. Dù có hơn 1.000 ha lúa gieo sạ chậm lịch thời vụ nhưng với sự nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền địa phương nguồn nước ngọt được cấp bổ liên tục. Những đám ruộng mới sạ 30 ngày tuổi, nước ngập gần đọt lúa. Nông dân Trần Minh Thắng ở ấp Phú Quý, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây phấn khởi nói: “ Nước này từ đủ đến dư chứ không thiếu, nếu mai mốt xảy ra nước mặn thì sợ chứ giờ rất thoải mái. Lúa tôi trên 40 ngày rồi, còn nửa tháng sau thì trổ đồng, chắt ăn hết sợ rồi. Ở đây lúa bà con trên dưới 30 ngày tuổi hết rồi”.
Còn ông Huỳnh Hữu Toàn, nông dân ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu dù xuống giống lúa vụ Đông Xuân có trễ hơn lịch thời vụ nhưng cũng tự tin sẽ thoát hạn mặn: “ Bây giờ nước nhiều, giờ đến Tết nước dư thừa, mênh mông luôn. Mình chỉ sợ ra giêng mặn lên, xả ra đóng đập thôi. Mình làm chỉ cần sạ trễ 5-10 ngày từ vụ đầu kéo theo trễ mấy vụ sau. Nhưng mà có nước ngọt, nước này lúa chắt ăn 100%, nước giờ ngập bờ chỉ cần tháo mương là tràn vô ruộng”.
Với sự quan tâm của các ngành, đơn vị khai thác quản lý các công trình thủy lợi, tinh thần chủ động của nông dân vừa vui Xuân vừa chống hạn mặn, tin rằng vụ mùa Đông Xuân này nông dân tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục có niềm vui do mùa màng bội thu.
Chu Trinh/VOV ĐBSCL
Bình luận