Từ khẩu hiệu đấu tranh hào hùng
Gần 20 năm gắn bó với đường lò cũng là hàng nghìn ca làm việc thợ lò Lê Văn Biên cùng anh em đồng đội hô vang khẩu hiệu: “Sản xuất phải An toàn! An toàn! An toàn! An toàn!” trước khi tiến sâu vào lòng đất. Rời đồng lúa quê nhà để trở thành người công nhân ở vùng mỏ Cẩm Phả, Quảng Ninh, anh vẫn nhớ những ngày đầu bỡ ngỡ khi phải khép mình vào môi trường sản xuất kỷ luật, nghiêm khắc. Chính sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của những người đàn anh đi trước đã giúp anh vượt khó, không ngừng học hỏi để sáng tạo, tự tin cho ra đời nhiều sáng kiến thiết thực, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị: Tôi và anh em đồng nghiệp đề xuất với lãnh đạo đơn vị cải tạo lại đường thông gió làm sao để lượng gió mát, đảm bảo sức khoẻ phục vụ sản xuất và có năng suất cao hơn. Bác Hồ đã dạy thi đua để mọi người cùng tiến bộ, bản thân tôi cũng lấy thi đua làm động lực để phát huy sáng tạo trong lao động sản xuất. Có lòng yêu nghề, luôn thực hiện tốt công tác kỹ thuật cơ bản, biện pháp kỹ thuật an toàn, Kỷ luật và Đồng tâm.
“Kỷ luật và Đồng tâm” mà anh Lê Văn Biên luôn tâm niệm, chính là “sợi chỉ đỏ” tinh thần xuyên suốt của những người thợ Vùng Than. Đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực vẫn luôn là truyền thống của những cư dân vùng biên ải Đông Bắc, càng được phát huy rõ nét hơn khi lực lượng công nhân mỏ dần hình thành, cùng nhau sản xuất trong môi trường kỷ luật cao, cùng tạo thành một khối thống nhất để chống lại ách áp bức của thực dân và tay sai. Từ khi Đảng ta ra đời với nguyên tắc tổ chức và hoạt động đoàn kết thống nhất, phẩm chất đó càng được những người thợ sớm giác ngộ rèn giũa, phát huy. Chính trong Cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ năm 1936 - cuộc đấu tranh lớn nhất của phong trào cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1936-1939, khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” đã ra đời, đưa cuộc bãi công tiến đến đến thắng lợi.
Từ phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc tới công cuộc đổi mới xây dựng đất nước những năm qua, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” luôn song hành cùng với công nhân mỏ và người dân Quảng Ninh, hình thành nên một phẩm cách chung, để các thế hệ nối tiếp nhau xây dựng vùng đất này. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Bí thư Đảng uỷ Than Quảng Ninh cho biết,: Từ “di sản” này, đơn vị đã phát động phong trào thi đua “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ”, đóng góp gìn giữ và phát huy văn hoá riêng có của người thợ Vùng Than." Văn hoá của người Quảng Ninh có chất riêng được tổng kết đó là rất hào sảng. Đối với cán bộ công nhân viên chức ngành than thì cũng có văn hoá đặc thù, đó chính là thông qua lao động sản xuất, thông qua truyền thống tạo nên văn hoá Kỷ luật và Đồng tâm của những người thợ mỏ. Trong những năm vừa qua, từ Nghị quyết của Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Tập đoàn TKV đã cụ thể hoá bằng Nghị quyết của mình và đã và đang phát huy, giúp cho đội ngũ công nhân viên chức, cán bộ Đảng viên của ngành than có tâm thế để bước vào sự phát triển mới của đất nước trên nền tảng “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”.
Đến sức mạnh tinh thần hôm nay
Những năm gần đây, Quảng Ninh được nhắc đến như một một địa phương có nhiều đột phá. Từ 1 tỉnh chủ yếu phải dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
9 năm liền tăng trưởng GRDP trên 2 con số (2015-2023); GRDP bình quân đầu người đạt gần 10.300 USD; tổng thu ngân sách nhà nước luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước; về đích sớm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; ghi dấu ấn nổi bật trên hành trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Những thành tựu này được nhận định là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, liên tục đổi mới, sáng tạo, với khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh nhiều năm qua. “Kỷ luật và Đồng tâm” là một trong những phẩm chất giúp người Quảng Ninh tạo nên các kỳ tích về kinh tế, hạ tầng, cũng giúp họ vượt qua những khó khăn, thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong giai đoạn đại dịch Covid-19, hay gần nhất là siêu bão số 3 (Yagi) diễn ra chỉ vài tháng trước đây. Hàng vạn người cùng nhau dọn dẹp đường phố tan hoang; ngư dân, người nuôi biển động viên, hỗ trợ nhau đứng dậy dù tài sản bạc tỷ bị cuốn phăng sau bão…
Ông Nguyễn Xuân Lập, người dân TP Hạ Long chia sẻ: Lúc đầu cũng lo lắm, nhưng càng về sau càng thấy từ lãnh đạo của Đảng, ý thức của người dân triển khai rất nghiêm túc. Ai cũng muốn cống hiến một phần nhỏ bé của mình vào giải quyết hậu quả sau bão, vào sự nghiệp phát triển của tỉnh. Mới có vài tháng thôi nhưng cây đã phát triển, hoa đã nở rộ, chúng ta đang lấy lại diện mạo như trước đây. Nhân dân rất tin tưởng và phấn khởi.
Kiên định quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển, những năm qua Quảng Ninh đã kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Địa phương có nhiều Nghị quyết cụ thể như Nghị quyết 11-NQ/TU, tiếp nối là 17-NQ/TU, chăm lo xây dựng con người Quảng Ninh có nhân cách, lối sống đẹp, hội tụ những chuẩn mực: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh. PGS TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Quảng Ninh đã phát huy được giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Có thể nói là đã đem lại những hình ảnh đẹp của văn hóa Việt Nam trong tầm quan sát của bạn bè quốc tế. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới, Quảng Ninh khẳng định bản lĩnh, phong cách của người Quảng Ninh đúng theo cái truyền thống của tỉnh là đoàn kết, thống nhất, Kỷ luật và Đồng tâm; tiếp tục sáng tạo những giá trị mới về văn hóa và con người Quảng Ninh.
Từ một khẩu hiệu đấu tranh, “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được lan toả và bồi đắp qua các thế hệ. Đó không chỉ là một truyền thống quý báu mà cao hơn cả là một nền tảng văn hóa Quảng Ninh, cùng với những giá trị tinh thần khác giúp người Quảng Ninh đóng góp vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Trường Giang/VOV Đông Bắc
Bình luận