Chủ nhật, 11:51, 26/01/2025
Quan hệ Mỹ Trung: Đừng già néo dễ đứt dây
VOV1 -Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã đưa ra đề xuất dự luật đe dọa bãi bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn mà Mỹ đã dành cho Trung Quốc. Hành động này như “giọt nước làm tràn ly” trong quan hệ Trung Mỹ sau sự trở lại của Tổng thống Donald Trump.

Đây không phải là lần đầu tiên các chính trị gia Mỹ có hành động tương tự và cái gọi là "gây tổn hại đến ngành sản xuất của Mỹ" và "bảo vệ an ninh quốc gia" là những câu cửa miệng nhằm vào bất cứ quốc gia nào mà Mỹ muốn áp dụng các biện pháp thương mại cực đoan, trong đó có Trung Quốc. Theo đề xuất trong dự luật, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu là 35% đối với hàng hóa không phải chiến lược nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 100% đối với hàng hóa chiến lược và sẽ thực hiện theo từng giai đoạn trong vòng 5 năm: 10% trong năm đầu tiên và 25% vào năm thứ 2, năm thứ tư là 50% và năm thứ 5 là 100%.  

 Theo các chuyên gia, nếu đề xuất dự luật này được thông qua, thì tổn hại kinh tế sẽ chia đều cho cả hai bên. Với Trung Quốc, thị trường tự do dễ tiếp cận của Mỹ đã trở thành nền tảng cho sự tăng trưởng xuất khẩu của nước này từ những năm 1980. Đến nay, thị trường nội địa Trung Quốc hiện đã quá lớn để không phụ thuộc quá nhiều xuất khẩu, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn lớn hơn của Trung Quốc đến 7.000 tỷ USD. Vì thế không một công ty nào của Trung Quốc có thể tuyên bố mình không cần thị trường Mỹ.

Cái giá phải trả phía Mỹ cũng lớn không kém. Viện Tư vấn Brookings dự báo, vào năm 2030, giới trung lưu Trung Quốc sẽ chiếm 22% chi tiêu tiêu dùng toàn cầu, so với 7% của Mỹ. Nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp trả đũa do chiến tranh thương mại, thì các nhãn hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng xa xỉ sẽ khó có thể tiếp cận được với thị trường tỷ dân đầy tiềm năng của Trung Quốc.

Đối mặt với môi trường đầu tư kinh doanh khó khăn ở Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ chuyển vốn sang nơi khác. Theo dữ liệu mới nhất từ Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), các vụ đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh.Trong 6 tháng đầu năm ngoái, chỉ có 860 triệu USD vốn đầu tư từ Trung Quốc rót vào Mỹ. Con số này sẽ tiếp tục giảm khi vấp phải những chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump.

Viện Kinh tế Quốc tế Pi-tơ-sơn của Mỹ đưa ra cảnh báo rằng ngay cả khi Trung Quốc không trả đũa, việc thu hồi quy chế Tối huệ quốc đối với  Trung Quốc sẽ "dẫn đến sự suy giảm ngắn hạn trong GDP thực tế của Mỹ so với dự báo cơ bản”.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm lớn hơn của việc "anh đường anh, tôi đường tôi" giữa Mỹ - Trung có thể chẳng phải chuyện kinh tế. Việc thu hồi quy chế Tối huệ quốc đối với Trung Quốc là hành động leo thang xung đột có tính chất nghiêm trọng hơn và gây ra hậu quả sâu rộng hơn. Bởi hiện tại, Mỹ không có quan hệ thương mại bình thường với 4 quốc gia là Bêlarut, Cuba, Triều Tiên và Nga. Mỹ đã thiết lập quy chế Tối huệ quốc của Trung Quốc thông qua một đạo luật chính thức của Quốc hội năm 2000 và được Tổng thống Mỹ ký. Việc bãi bỏ quy chế này  là thể hiện ý chí quốc gia chứ không phải là sở thích cá nhân của một tổng thống Mỹ.

Thu Hiền/VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận