Mỗi năm vào tháng Bảy, nhân dân ta lại dành những tình cảm thiêng liêng và sâu lắng nhất để tưởng nhớ, tri ân những người hy sinh vì non sông đất nước, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh-những người đã không tiếc máu xương, tính mạng vì nền độc lập, tự do và sự bình yên của Tổ quốc.

Ngày 27 tháng 7 hằng năm cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thể hiện lòng biết ơn sâu nặng tới gia đình người có công với cách mạng. Truyền thống cao đẹp "uống nước nhớ nguồn" đã trở thành sợi dây thiêng liêng kết nối các thế hệ người Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để toàn dân tộc đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.

Lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc Việt Nam là bản trường ca bất diệt của lòng yêu nước, của ý chí quật cường và tinh thần đấu tranh bất khuất, là sự tri ân của những người đang sống với những người đã hiến dâng cuộc đời cho non sông đất nước. Trải qua các cuộc chiến tranh giữ nước đầy gian khổ và hy sinh, từ thời đại Hùng Vương dựng nước cho đến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầy gian khó, dân tộc ta chưa bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền, chưa bao giờ lùi bước trước hiểm họa xâm lăng. Đặc biệt, trong hơn 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên, cho đất nước được độc lập, hòa bình, thống nhất, cho nhân dân được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc, hướng tới phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường.

Cùng với cha ông, hơn 1,2 triệu liệt sỹ, 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên toàn quốc hiện nay, tất cả là linh hồn bất tử của dân tộc, là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hơn 3 ngàn nghĩa trang liệt sỹ, hơn 4 ngàn công trình ghi công các liệt sỹ trên cả nước là những ngọn đuốc luôn thắp sáng chiến công và tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ; hơn 100 triệu con tim người Việt là nguồn tình cảm dạt dào, thấm đẫm đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” dành cho những người có công với nước.

Thực hiện lời Bác dạy, nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành, rất nhiều ngôi nhà tình nghĩa, quà tặng 27/7 đã đến với các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công trên mọi miền đất nước. Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 17/07/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với Cách mạng; Nghị quyết số 42 NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng... là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là đạo lý, là tình cảm, là tấm lòng tri ân của nhân dân, của Đảng, Nhà nước đối với những người đã “tận trung với nước, tận hiếu với dân” hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Để tiếp tục làm theo truyền thống dân tộc, theo lời Bác dạy, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, chúng ta cần tiếp tục tập trung thực hiện một số công việc sau đây:

Thứ năm: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tri ân người có công trong toàn xã hội, nhất là trong thế hệ trẻ; lồng ghép hiệu quả vào chương trình giáo dục chính trị tư tưởng, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, cơ quan, đơn vị. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm công dân trong thực hiện đạo lý  “Uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”.

Thứ sáu: Ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về người có công với cách mạng để quản lý, theo dõi, đánh giá chính sách một cách chính xác, đồng bộ và minh bạch. Kết nối liên thông giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương nhằm phục vụ người dân thuận tiện và hiệu quả hơn. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin.

Thứ bảy: Tổ chức tốt các hoạt động tri ân, tưởng niệm, thăm hỏi, tôn vinh người có công với cách mạng một cách thiết thực, chu đáo, tránh hình thức, lãng phí. Phát động các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc người có công” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, quốc phòng, an ninh toàn dân và an sinh xã hội bền vững.

Các nhiệm vụ nêu trên cần được cụ thể hóa thành chương trình hành động của từng địa phương, làng xã, tổ dân phố, từng ngành, từng cơ quan đoàn thể, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện sâu sắc lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng./.

Thực hiện: Nguyễn Hằng - Bích Ngọc/VOV1