Trong cái se lạnh của núi rừng, buổi tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh do các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP tỉnh Lai Châu tổ chức tại bản biên giới Sì Choang, xã Vàng Ma Chải (nay là xã Sì Lở Lầu, tỉnh Lai Châu) đã thu hút hàng chục người dân tham gia. Trên chiếc điện thoại thông minh, mỗi thao tác đều được các thầy giáo mang quân hàm xanh hướng dẫn một cách tỉ mỉ.

Chị Chẻo Thị Hoa, người dân bản Sì Choang cho biết: Cái nghèo đeo bám ở bản không chỉ do thiếu đất sản xuất, xa chợ, mà còn bởi khoảng cách tri thức và công nghệ. Nhiều hộ dân nơi đây mỗi ngày vẫn quanh quẩn với nương ngô, rẫy lúa, chưa từng tiếp cận điện thoại thông minh, càng chưa biết đến Internet hay các ứng dụng hỗ trợ sản xuất. Cũng vì thiếu kiến thức công nghệ, mà không ít người từng bị lừa đảo khi mua bán hàng qua mạng, hoặc bị dụ dỗ vượt biên trái phép với lời hứa "việc nhẹ, lương cao".
Chương trình hôm nay đã mang đến cho người dân nhiều kiến thức về chuyển đổi số, về mạng xã hội, cũng như là giúp người dân tránh được những việc như lừa đảo trên mạng. Bản thân tôi cũng sẽ hướng dẫn lại cho người nhà, người thân và những người xung quanh có thêm nhận thức về mạng xã hội. Từ đó sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác, nhận thức và áp dụng vào phát triển kinh tế của gia đình.

Khi muốn gửi tin tố giác tội phạm, thay vì phải đến tận đồn trình báo, người dân giờ chỉ cần chiếc điện thoại, quét mã QR trên tấm poster được dán ở nhà văn hóa, trạm y tế, hay chợ phiên là thông tin được thu nhận. Không những không phải đi xa, khi gửi tin tố giác tội phạm, người dân không bị lộ danh tính, thông tin cá nhân, mà tất cả đều được ẩn danh tuyệt đối. Đó là những gì mà mô hình “Hòm thư điện tử ẩn danh” do Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải triển khai từ đầu tháng 5/2025 mang lại.

Thiếu tá Nguyễn Duy Khánh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết: Chỉ sau thời gian ngắn triển khai, “Hòm thư điện tử ẩn danh” đã tiếp nhận 32 lượt tin báo, trong đó có 14 tin có giá trị đặc biệt. Nguồn tin của người dân đã giúp lực lượng biên phòng phát hiện, xử lý hiệu quả nhiều vụ việc; từ bắt giữ đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, thu giữ heroin, đến thu hồi súng kíp và các chất cấm. Nhưng quan trọng hơn cả, mô hình đã thực sự thay đổi nhận thức của bà con về pháp luật, về trách nhiệm bảo vệ thôn bản mình đang sống thông qua công nghệ số.
Đơn vị xác định đây là giải pháp căn cơ để nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, cũng như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của quần chúng nhân dân trên địa bàn. Đơn vị đã triển khai có hiệu quả mô hình “Thầy giáo quân hàm xanh đẩy nhanh chuyển đổi số”, tổ chức 17 buổi, cho trên 850 lượt quần chúng nhân dân về kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Thiết lập 17 mã QR nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân. Qua đó, bà con đã hiểu biết sâu, rộng hơn về pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật; 100% cán bộ xã, bí thư chi bộ, trưởng bản đã biết sử dụng công nghệ thông tin, để truyển tải các tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật.
Từ mô hình điểm tại Vàng Ma Chải, đến nay, cả 13 Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Lai Châu đã đồng loạt triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số cho người dân. Hơn 40 lớp học đã được tổ chức ngay tại các bản làng xa xôi, với sự tham gia của đông đảo bà con các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Thái…

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết: Phong trào “Bình dân học vụ số” đã được Đảng ủy Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu xây dựng thành nghị quyết chuyên đề và phát động trong toàn lực lượng. Không chỉ hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, lực lượng biên phòng còn hỗ trợ hàng chục thiết bị điện thoại thông minh cho những hộ đặc biệt khó khăn, giúp họ có điều kiện tiếp cận công nghệ, kết nối thông tin và học tập.
Chúng tôi đã thành lập mỗi đồn biên phòng một tổ giáo viên từ 3 đến 5 đồng chí, đi đến các thôn, bản để giúp đỡ, hướng dẫn cho bà con nhân dân hiểu biết về chuyển đổi số; đồng thời hướng dẫn cho bà con cách thức, phương thức sử dụng điện thoại thông minh. Để từ đó bà con nhân dân có điều kiện trao đổi thông tin giữa các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, qua đó bà con sẽ biết cách để cung cấp những thông tin phản ánh, tố giác tội phạm cho bội đội biên phòng.

Giữa đại ngàn biên viễn Lai Châu, nơi nhiều vùng sóng điện thoại và mạng Internet còn chập chờn, nhưng lòng tin giữa người dân và những người lính quân hàm xanh thì chưa bao giờ đứt đoạn. Mỗi lần người dân mạnh dạn gửi tin báo bằng “hòm thư điện tử ẩn danh” là một lần công nghệ được "lập trình" bằng niềm tin, bằng trách nhiệm của công dân. Kết quả đó có được là nhờ vào những bước chân lặng thầm, bền bỉ của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Và chính họ, những “thầy giáo quân hàm xanh” đang viết nên hành trình số hóa đặc biệt mang tên "Niềm tin từ lòng dân."/.
VOV Tây Bắc
Bình luận