Chủng virus Den-2 gây sốt xuất huyết chiếm ưu thế, cần lấp khoảng trống miễn dịch
VOV1 - Theo các chuyên gia, chủng virus Den-2 gây ra sốt xuất huyết hiện đang chiếm ưu thế, có nguy cơ gây ra các thể bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến sốc sốt xuất huyết và các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng.

# Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh” vừa được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 2323 về các dịch vụ chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh. Bộ Y tế cho biết, khoảng 2/3 số ca tử vong sơ sinh xảy ra trong ba ngày đầu sau sinh, nhiều trường hợp có thể phòng ngừa được bằng các can thiệp đơn giản như: Lau khô kỹ lưỡng và đánh giá trẻ trong 30 giây đầu tiên để phòng ngừa hạ thân nhiệt và kích thích hô hấp, xử trí hồi sức nếu trẻ không thở; Tiếp xúc da kề da liên tục với mẹ ít nhất 90 phút và hoàn tất bữa bú đầu tiên giúp trẻ duy trì thân nhiệt, giảm nguy cơ nhiễm trùng, thúc đẩy việc bú mẹ sớm và hoàn toàn; Kẹp cắt dây rốn muộn để giảm nguy cơ thiếu máu, xuất huyết não ở trẻ sơ sinh và cho trẻ bú mẹ sớm, hoàn toàn với sữa non nhằm cung cấp năng lượng, kháng thể và các yếu tố miễn dịch quan trọng.

# Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), cả nước đang bước vào mùa cao điểm dịch sốt xuất huyết khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển. Tính đến giữa tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền Nam chiếm hơn 70% tổng số ca. Theo giám sát dịch tễ, cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết (D1, D2, D3, D4) đều đang lưu hành tại Việt Nam, trong đó chủng D2 hiện chiếm ưu thế thay cho D1 trước đây. Đây là chủng có độc lực cao, dễ gây biến chứng nặng như sốc, xuất huyết nội tạng và làm gia tăng quy mô dịch. Sự thay đổi tuýp virus cũng tạo ra khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng, khiến nguy cơ lây lan và trở nặng tăng mạnh, đặc biệt ở người từng nhiễm các chủng virus khác.

# Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, từ đầu năm 2025 đến ngày 10-7, toàn tỉnh ghi nhận 47 ca bệnh ho gà, trong đó có 1 ca tử vong. Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Để phòng bệnh ho gà, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng…

# Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ vừa chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động đơn vị Tư vấn Di truyền ung thư đầu tiên tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đơn vị Tư vấn Di truyền ung thư giúp người bệnh nhận diện sớm yếu tố di truyền ung thư, cá thể hóa điều trị, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng sống; đồng thời tạo lợi ích xã hội thông qua tầm soát nhóm nguy cơ cao, giảm tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị, góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế khu vực. Chi phí xét nghiệm di truyền cũng được AstraZeneca Việt Nam hỗ trợ miễn phí cho người bệnh có chỉ định phù hợp.

# Thông tin từ Trung tâm Y tế khu vực Yên Bình, tỉnh Lào Cai, chiều 18/7, đơn vị vừa tiếp nhận, điều trị một cháu bé 3 tuổi bị chó cắn với nhiều vết thương nghiêm trọng. Phần đầu nhiều vết thương chảy máu, vết thương lớn nhất lóc da đầu, lộ xương sọ 10cm, vùng cổ và bả vai xuất hiện nhiều vết thương lớn, sâu, chảy nhiều máu. Sau khi cầm máu, băng cố định, truyền dịch, giảm đau, tiêm huyết thanh chống dại, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cơ sở 1 để theo dõi, điều trị.

# Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa kịp thời phẫu thuật cứu sống một bệnh nhi 13 tuổi bị dây sắt đâm xuyên ổ bụng, gây thủng đại tràng và hỗng tràng, một dạng chấn thương hiếm gặp, nguy hiểm đến tính mạng. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã tỉnh táo, bụng mềm, ăn uống và bài tiết bình thường. Nếu không có biến chứng, em dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

# Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch hội lao và bệnh phổi Việt Nam, nguyên giám đốc bệnh viện phổi TW, hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất. Cùng với các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh kể trên, các yếu tố kết hợp sau khiến khả năng mắc phổi tắc nghẽn mãn tính càng cao là người trong độ tuổi từ 65-74, đó là người có tiền sử bệnh hen hay các bệnh hô hấp khác, người có tiền sử hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc trước đây, người có gia đình mắc bệnh này...  Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận