Nga và đối tác phản ứng trước gói trừng phạt thứ 18 của EU
VOV1 - Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, nhằm chủ yếu vào ngành công nghiệp dầu mỏ và tài chính của nước này.

Trong gói trừng phạt thứ 18, EU áp dụng mức giá trần cho dầu thô của Nga ở mức thấp hơn 15% so với giá thị trường trung bình. Điều đó có nghĩa là mức giá trần mới là khoảng 47,60 đô la Mỹ (USD) một thùng, thấp hơn nhiều so với mức tối đa 60 đô la (USD) mà Nhóm bảy nền kinh tế lớn (G7) đã cố gắng áp dụng kể từ tháng 12/2022. Mức giá trần mới sẽ có hiệu lực vào ngày 3/9 tới và thời gian chuyển tiếp 90 ngày sẽ được áp dụng cho các hợp đồng hiện có.

Được biết, trước đó, Liên minh châu Âu và Anh đã thúc đẩy G7 hạ mức trần kể từ khi giá dầu tương lai giảm khiến mức trần 60 đô la trở nên không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, Mỹ đã phản đối, khiến EU phải tự mình hành động.

Ngoài ra, EU cũng triển khai các biện pháp hạn chế khả năng khôi phục hoạt động của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc, trừng phạt 105 tàu chở dầu Nga bằng cách cấm tiếp cận các cảng và âu tàu của EU.

Về tài chính, EU sẽ cấm toàn bộ giao dịch với 22 ngân hàng Nga, đồng thời mở rộng lệnh cấm đối với các tổ chức tài chính ở nước thứ ba nếu phát hiện hành vi giúp Nga né tránh lệnh cấm. Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cũng bị EU đưa vào danh sách trừng phạt.

Gói trừng phạt thứ 18 của EU cũng bao gồm lệnh cấm xuất khẩu mới với Nga trị giá hơn 2,5 tỷ Euro. Các mặt hàng nằm trong danh sách cấm chủ yếu là máy móc, kim loại, nhựa, hóa chất và các mặt hàng lưỡng dụng dùng trong sản xuất vũ khí.

Phản ứng trước động thái mới của EU, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin)Dmitry Peskov cho biết, các lệnh trừng phạt đơn phương của EU là “bất hợp pháp” và sau nhiều gói trừng phạt liên tiếp của phương Tây, Nga đã phát triển được khả năng “miễn nhiễm” nhất định:

“Cho đến nay, chúng ta thấy một đường lối chống Nga khá nhất quán ở châu Âu. Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng chúng tôi coi những hạn chế đơn phương như vậy là bất hợp pháp, và chúng tôi phản đối chúng. Nhưng chúng tôi cũng đã có được một sự miễn trừ nhất định khỏi các lệnh trừng phạt, chúng ta đã thích nghi với cuộc sống dưới các lệnh trừng phạt. Tất nhiên, chúng tôi cần phân tích gói trừng phạt mới để giảm thiểu hậu quả của nó.  Tuy nhiên, cần phải nói mỗi gói trừng phạt mới đều gây ra tác động tiêu cực cho các quốc gia tham gia. Đây là một con dao hai lưỡi.”

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định Mátxcơva không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp đáp trả sau khi hoàn tất đánh giá tác động.

Là đối tác của Nga, Ấn Độ cũng tuyên bố không ủng hộ “các lệnh trừng phạt đơn phương” của EU nhằm vào Nga , trong đó có việc áp đặt trừng phạt đối với nhà máy lọc dầu Rosneft ROSN.MM ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, nước này coi việc đảm bảo an ninh năng lượng là trách nhiệm vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân./.

Đình Nam/VOV1

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận