
Theo dự báo, dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên sẽ nằm trong vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (WIPHA). Mặc dù tiến độ hoàn thành công trình là rất gấp, song, trước dự báo bão số 3 có cường độ lớn, hoàn lưu bão sau mưa phức tạp nên công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, 100% cán bộ nhân viên của Ban Điều hành dự án đã được huy động, ứng trực tại công trường theo phương châm “4 tại chỗ”. Các phương án phòng chống thiên tai đã được kích hoạt, triển khai đồng loạt tại các vị trí trên công trường. Trong đó, các nhà thầu là lực lượng chủ chốt để triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo chỉ đạo của Ban Quản lý dự án Điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đại diện chủ đầu tư dự án này. PV Nguyên Long phỏng vấn ông Đỗ Quang Khải, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 1, Giám đốc Ban điều hành dự án về công tác đảm bảo an toàn trên công trình này.
PV. Xin ông cho biết cụ thể về các giải pháp để đảm bảo an toàn cho công trình đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên cũng như đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị khi cơn bão số 3 được dự báo là rất mạnh?
Ông Đỗ Quang Khải: Ngay từ khi nhận được thông tin về cơn bão số 3 có nguy cơ ảnh hưởng đến phía đất liền Việt Nam thì thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN của Bộ Công Thương cũng như của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, và Ban Quản lý dự án Điện 1 cũng thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì Ban quản lý dự án đã có văn bản để chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát và tất cả các lực lượng trên công trường để kích hoạt ngay phương án phòng chống bão lũ cả thời gian trước, trong cũng như sau khi cơn bão số 3 diễn ra.
PV. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những giải pháp để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người và thiết bị cũng như có thể trở lại ngay sau khi cơn bão dừng lại để đảm bảo tiến độ của công trình?
Ông Đỗ Quang Khải: Do công trình rất gấp, thực hiện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ thì phải hoàn thành đóng điện trước ngày 19 tháng 8 năm 2025, Ban quản lý dự án Điện 1 đã chỉ đạo nhà thầu tận dụng tối đa khoảng thời gian trước khi bão vào để tranh thủ thi công, công tác vận chuyển vật tư thiết bị lên móng cũng như chương trình thi công đúc móng và dựng cột và tranh thủ tối đa thời gian còn lại trước khi bão vào để chúng ta thi công. Sau đó thì sau khi mà đến chuẩn bị bão vào mà có nguy cơ mưa thì chúng tôi cũng đã chỉ đạo các nhà thầu di chuyển toàn bộ các thiết bị thi công xuống các khu vực để trú tránh an toàn, cũng như kiểm tra các kho bãi chứa vật tư vật liệu để đảm bảo an toàn; di chuyển các vật tư, vật liệu lên vùng cao để tránh những nơi có nguy cơ gây ra sạt trượt cũng như là lũ quét để không ảnh hưởng đến vật tư, thiết bị.
Còn đối với công nhân đang thi công trên công trường thì cũng sẽ đưa công nhân về để thuê ở những nơi trú tránh để đảm bảo an toàn chứ không cho công nhân thi công trên các vị trí móng, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cũng như các thiết bị thi công và vật tư thiết bị của dự án trong quá trình mà mưa lũ diễn ra. Và đặc biệt là sau hoàn lưu bão thì chúng tôi nhận định sẽ có mưa kéo dài cũng như là đất đã bão hòa thì nguy cơ sạt trượt rất cao. Chúng tôi đã chỉ đạo nhà thầu thường xuyên đi kiểm tra để đánh giá nhận định những vị trí có nguy cơ sạt trượt để có phương án để đảm bảo an toàn cho các công trình móng cột điện.
Và sau bão thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng thi công, các công nhân thì vẫn ở trên khu vực gần công trường, để ngay sau bão, điều kiện thời tiết thuận lợi thì chúng tôi sẽ tập trung để triển khai sửa đường, và lại tiếp tục đưa máy móc thiết bị lên để triển khai thi công ngay sau cơn bão, khi mà điều kiện thời tiết thuận lợi. Toàn công trường quyết tâm đảm bảo an toàn, đảm bảo tiến độ!
PV. Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Một số hình ảnh trên công trường:





PV Nguyên Long
Bình luận