EVNNPC tập trung các giải pháp ứng phó với cơn bão số 3 (WIPHA) đảm bảo cung cấp điện
VOV1 - Khoảng 102.000 khách hàng miền Bắc bị gián đoạn sử dụng điện do cơn giông lốc mạnh chiều 19/7/2025, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang tập trung các giải pháp ứng phó với cơn bão số 3 (WIPHA).

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) thống kê, đã có khoảng 102.000 khách hàng sử dụng điện tại các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Ninh Bình, Hưng Yên... bị gián đoạn sử dụng điện do cơn giông lốc mạnh chiều 19/7/2025. CBCNV các công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã nhanh chóng xử lý sự cố nhằm cấp điện trở lại nhanh nhất cho khách hàng; Đồng thời chủ động các phương án ứng phó với cơn bão số 3 (WIPHA) theo đúng chỉ đạo tại các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN.

Theo đó, Công điện của EVNNPC yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, chủ động theo dõi, nắm bắt thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại địa phương. Tổ chức thực hiện đầy đủ, có chất lượng và nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ, huy động nhân lực, phương tiện, vật tư triển khai khẩn trương khắc phục các thiệt hại, sự cố, kịp thời khôi phục cung cấp lại điện cho khách hàng. Chuẩn bị vật tư, phương tiện, thiết bị dự phòng sẵn sàng ứng phó cho các giai đoạn tiếp theo.

 Các Công ty Điện lực; các Công ty Thủy điện chủ động ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét...; thực hiện chằng chống nhà cửa, kho bãi, có phương án di chuyển, kê kích thiết bị, vật tư tránh gây hư hỏng do ngập lụt; tổ chức kiểm tra, khắc phục kịp thời ngay các khiếm khuyết trên lưới điện, hồ đập, thiết bị vận hành cửa xả; các nguồn cung cấp điện độc lập (địa phương, Diesel dự phòng...), đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động, thiết bị. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan trong phát quang hành lang tuyến, vận hành hồ chứa, xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là con người, tài sản vùng hạ du. Tổ chức tuyên truyền về phòng chống tai nạn điện trong cộng đồng dân cư tại các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

 Các đơn vị nghiêm túc quán triệt và yêu cầu người lao động cần tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn lao động, phải cấp đầy đủ PCT/LCT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, chú ý khi đi qua các vùng ngập lụt, qua sông suối phải mặc áo phao, không để bị đuối nước. Phải có biện pháp đảm bảo an toàn khi vượt sông suối, không để bị chìm, trôi ô tô, xe máy, dụng cụ, thiết bị, vật liệu...

 Đối với các dự án đang thi công, dự án mới đóng điện phải có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, an toàn cho lực lượng lao động và vật tư thiết bị trên công trường, không để máy móc, vật tư thiết bị bị ngập úng, hư hỏng, đặc biệt phòng chống nguy cơ sạt lở, ngập lụt ..., có các biển báo, chỉ dẫn phòng tránh tại những vị trí nguy cơ gây mất an toàn và rà soát lại hồ sơ bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thi công xây lắp,...có liên quan.

 Các đơn vị sau khi sát nhập rà soát và hoàn thiện ngay các việc: Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN; Xây dựng lại Phương án PCTT&TKCN phù hợp với tình hình tổ chức mới; Thành lập Đội xung kích tại đơn vị để đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

 Ban An toàn phối hợp với Ban Truyền thông chủ động theo dõi và cập nhật diễn biến thời tiết, tình hình thiệt hại, công tác khắc phục trên trang Web của Tổng công ty và chủ động cung cấp cho các cơ quan truyền thông, báo chí để kịp thời đưa tin.

          Các đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai cập nhật kịp thời diễn biến, hậu quả và kết quả khắc phục trên trang Web https://smis.evn.com.vn của Tập đoàn

Điện lực Việt Nam, Thường trực BCH PCTT&TKCN và trên nhóm zalo “báo cáo thiệt hại thiên tai NPC” của Tổng công ty theo quy định.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận